Phiên họp này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và cử tri trong cả nước.
Cơ hội để phát triển khoa học và công nghệ
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Nghiêm Vũ Khải cho rằng phiên giải trình là cơ hội để Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước về thực trạng của khoa học và công nghệ, những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc, để Quốc hội và nhân dân cả nước chia sẻ, có những giải pháp hiệu quả hơn cho phát triển khoa học và công nghệ.
“Mỗi một lần được chất vấn hay giải trình ở Quốc hội là cơ hội, trong đó thuận lợi nhiều hơn là thách thức đối với mỗi vị thủ lĩnh ngành,” Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải nhận định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên giải trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đánh giá về cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, mức chi 2% từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ so với nhiều quốc gia không phải là thấp. Tuy nhiên, do nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ nên giá trị tuyệt đối của 2% là không lớn. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, từ năm 2000 là đầu tư 2% ngân sách cho khoa học và công nghệ là quyết định mang tính chất đột phá và đã tạo điều kiện nhất định cho khoa học-công nghệ Việt Nam ngày càng phát triển.
Điều cần quan tâm là làm thế nào để huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Thực tế hiện nay, ngân sách Nhà nước đầu tư một, thì nguồn huy động của xã hội chỉ đạt là 0,3 trong khi phải ngược lại, đó là nhà nước bỏ ra một thì xã hội phải bỏ ra tới 3, 4 hoặc 5. Trong thời gian tới, để khoa học và công nghệ thực sự phát huy hiệu quả, một mặt cần giữ nguyên hoặc tăng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác quan trọng hơn là huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội và đặc biệt là phải làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn ngân sách ngoài nhà nước, từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân...
Cần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: hiện nay, Việt Nam đã có Luật Khoa học công nghệ; trong đó quy định các doanh nghiệp được sử dụng không quá 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.
Theo ông, về mặt chính sách, Nhà nước đã có những kích thích, tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng một phần lợi nhuận thay vì phải nộp thuế, nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội cho phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách này tác động chưa nhiều tới doanh nghiệp do hầu hết doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ thông tin, khi nắm được lại khó thực hiện do không có cơ sở sử dụng nguồn kinh phí này.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 10% lợi nhuận trước thuế quá ít nên đối tượng chính sách đang hướng tới là những doanh nghiệp lớn với phần lợi nhuận tương đối cao. Hiện ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp đầu tư một bộ phận nghiên cứu phát triển, nếu có chỉ là nghiên cứu thay đổi mẫu mã, còn đích thực là công nghệ hầu như không có.
Ở khía cạnh cơ chế tài chính, các nhà khoa học kêu ca nhiều là thủ tục thanh toán đối với đề tài nghiên cứu, với những định mức lạc hậu (Nghị định 44), khiến nhà khoa học rất khó khăn trong quá trình hoạt động. Vấn đề lớn với khoa học công nghệ hiện nay là Việt Nam đã phân định đề tài nghiên cứu khác nhau, ở những cấp độ nghiên cứu cơ bản, phần này có ngân sách đầu tư với các dự án sản xuất thử nghiệm, quỹ hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển…
Tuy nhiên, cơ chế kiểm tra, thanh toán lại quá chặt chẽ, mất thời gian. Hiện nay có hai luồng ý kiến về cơ chế tài chính cho các nghiên cứu khoa học, một là khoán kinh phí, quá trình thanh quyết toán phải đơn giản; hai là làm các đề tài phải báo cáo rõ ràng.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra giải pháp tình thế là bóc tách phần cho phép khoán và phần không khoán. Tuy nhiên, việc này vẫn mang nặng tính hình thức. Để thoát khỏi tình trạng này, Nhà nước nên đặt nặng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan này phải có bộ phận cung ứng thiết bị, vật tư, thanh quyết toán, nhà khoa học chỉ tập trung triển khai nghiên cứu, thực hiện lĩnh vực khoa học của mình, đem lại giá trị mới đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, để có ngành khoa học phát triển, Quốc gia phải có định hướng, đưa ra những lĩnh vực cần tập trung đầu tư và đầu tư đến nơi đến chốn, có nhóm nghiên cứu mạnh và hợp tác quốc tế tốt để có thể huy động, mời gọi các nhà khoa học quốc tế đến cùng giải quyết nhiệm vụ quốc gia. Đồng thời, các nhà khoa học liên quan nhiều đến ứng dụng, nên đi cùng với doanh nghiệp, kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp cùng với nhà nước, để phát triển những công nghệ mang tính ứng dụng.
Theo ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay điểm vướng lớn nhất của khoa học công nghệ là cơ chế tài chính, thanh quyết toán, thu chi. Đây là rào cản lớn mà các nhà khoa học than phiền nhiều nhưng chưa được tháo gỡ. Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này đã có nhiều và khá đủ, nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nửa vời.
Mặc dù hiện nay kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ không thiếu, thậm chí có những chương trình tiền còn dư, một số tỉnh không dùng hết kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ do giải ngân phức tạp, gây phiền nhiễu cho nhà khoa học. Ông cho rằng, cần phải thay đổi hẳn quan điểm về vấn đề tài chính, hiện nay có chỗ dư tiền và có chỗ thiếu tiền. Các nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay được chi theo từng mục, từng định mức, có chứng từ. Ngược lại, nhiều nước trên thế giới đã làm theo cách khoán sản phẩm cho nhà khoa học. Bên cạnh đó, phân bổ tài chính cho khoa học công nghệ cũng khá bất cập.
Đầu tư xứng đáng cho khoa học và công nghệ
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, cần tạo điều kiện, tạo môi trường thúc đẩy sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khuyến khích sự giao thoa thẩm thấu giữa các chuyên ngành, bộ môn khoa học, coi trọng phát triển các ngành khoa học mới nổi lên, nghiên cứu và ứng dụng những lĩnh vực khoa học “mềm” như khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tâm lý - cận tâm lý…
Phó Giáo sư cũng cho rằng rất cần ủng hộ và coi trọng việc giới trí thức khoa học-kỹ thuật mạnh dạn phát biểu những đề xuất, kiến giải của mình, khuyến khích giao lưu và tranh luận giữa các quan điểm khác nhau, qua đó gợi mở trí tuệ, tiếp thu tri thức, lựa chọn các giải pháp tối ưu thúc đẩy sự phát triển khoa học-kỹ thuật nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.
Theo cử tri Nguyễn Tuấn Tài, nguyên Trưởng khoa Công tác phát triển cộng đồng, Trường Đại học Đà Lạt, nhìn chung đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế so với các nước.
Nhấn mạnh đầu tư cho khoa học là đầu tư cho sự phát triển, ông Nguyễn Tuấn Tài cho rằng hiện nay Việt Nam chưa chú trọng đầu tư xứng đáng. Khoa học-công nghệ chưa thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng đầu tư dàn trải và sai mục đích gây lãng phí lớn còn diễn ra khá phổ biến. Việc đầu tư còn mang tính “phân bổ” cho các ngành, cơ sở. Chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế (đề tài dàn trải, tính ứng dụng chưa cao).
Về huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu từ tư nhân, hợp tác với nước ngoài. Đồng thời, trong đầu tư cho khoa học-công nghệ ở các địa phương cần tập trung vào mũi nhọn và lợi thế của địa phương.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần chú trọng chức năng “phản biện xã hội” của nhà khoa học, hiệp hội khoa học, nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa nhà khoa học và nhà quản lý; cần có cơ chế “công khai minh bạch” các dự án đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Như vậy mới tạo được cầu nối giữa nhà khoa học với nhà quản lý./.