Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An: Cân nhắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, một số đại biểu đề nghị cân nhắc thêm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển, nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc Nam, trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam; là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ tư cả nước với trung tâm là thành phố Vinh - đô thị loại 1.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa cao và chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; thu ngân sách chưa đạt mục tiêu và yêu cầu cân đối ngân sách; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế; một số dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm so với dự kiến do thiếu nguồn lực, nhất là các dự án hạ tầng trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp và hệ thống giao thông kết nối trọng điểm của Tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, mục tiêu phấn đấu trở thành Tỉnh khá, Tỉnh công nghiệp, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra đến nay cơ bản vẫn chưa thực hiện được.
Ngày 30 tháng 7 năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các năm tiếp theo với mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại” và một trong những nhiệm vụ, giải pháp là “bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần tham gia đầu tư, góp vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ”.
Tiếp đó, ngày 17 tháng 9 năm 2021, tại văn bản số 1857-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có ý kiến: “Đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”.
Bên cạnh đó, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW trong thời gian qua cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Nghệ An rất khó thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng, để giúp tỉnh Nghệ An tạo được bước đột phá mạnh, phát triển nhanh và bền vững, đạt được các mục tiêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết; việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của tỉnh Nghệ An nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, các chính sách trong dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là hướng đi đúng, đủ căn cứ chính trị và thực tiễn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng Nghệ An là một tỉnh có số lượng dân cư lớn với trên 400km đường biên giới, khi chúng ta có những cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho tỉnh Nghệ An sẽ có tác động tích cực tới một lượng lớn đời sống xã hội của người dân, đặc biệt là người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới, góp phần bảo đảm quốc phòng- an ninh của đất nước.
 Toàn cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên,đại biểu cũng đề nghị khi đề xuất các chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, Chính phủ và các đại phương cần làm rõ đã đặt mình trong tổng thể mối quan hệ với các tỉnh khác trong địa bàn vùng kinh tế; trong tổng thể quy hoạch, chiến lược phát triển vùng kinh tế, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương giai đoạn 2021- 2025 hay chưa.
Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô từ 50 héc ta trở lên của tỉnh Nghệ An, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, các đại biểu Quốc hội yêu cầu nên quan tâm nhiều đến an sinh cho người đồng bào dân tộc thiểu số, nếu cần thì phải có những nghiên cứu khoa học để có những dự án phù hợp.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc thêm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vì nếu không bảo vệ được rừng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững và quy định chuyển đổi này có thể sẽ tạo tiền lệ không tốt, đặc biệt trong bối cảnh báo động về môi trường như hiện nay.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nội dung về đánh giá tác động cúa các chính sách đến sự phát triển của địa phương cũng như trong tổng kết nhân rộng chính sách chung để có thể lan tỏa, áp dụng với các địa phương khác.