Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo luận sơ khởi đề xuất truất quyền Tổng thống Donald Trump

Gia Tuấn (PV thường trú tại Mỹ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa 6/1, đứng trên sân khấu giữa Tòa Bạch Ốc và đài tưởng niệm Washington Monument, trước hàng ngàn ủng hộ viên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ đi bộ đến Quốc hội và hoan nghênh những thượng nghị sĩ, nam nữ dân biểu can đảm. Tất cả chúng ta ở đây không muốn thấy cuộc bầu cử thắng lợi bị gian lận, qua những gì họ đã và đang làm.”

“Không bao giờ bỏ cuộc, chúng ta sẽ không bao giờ chịu thua” - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.
Vì những lời nói này của Tổng Thống Trump mà từ trưa thứ 4 - ngày 6/1 (theo giờ Mỹ), tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC đã phải phong tỏa, cuộc họp của lưỡng viện nhằm chứng nhận phiếu bầu của Đại cử tri đoàn phải tạm ngưng. Phó Tổng thống Mike Pence, người điều hành tiến trình chứng nhận kết quả bầu cử, được khẩn cấp đưa ra khỏi Hạ viện, khi nơi này bị người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào.
Người ủng hộ Trump tràn ngập Washington, DC, phản đối kết quả bầu cử
Đến khoảng 8 giờ tối, một số thành viên Nội các thảo luận sơ khởi về việc áp dụng Tu chính án số 25 để phế truất quyền Tổng thống Trump. Điều 4 trong Tu chính án 25 đưa giải pháp truất phế khi Phó Tổng thống và đa số thành viên nội các xác nhận Tổng thống đương nhiệm không còn đủ khả năng để đảm đương chức vụ.

Kế đến, quyết định Tổng thống không còn năng lực điều hành sẽ được gửi đến Quốc hội và chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng thống. Có tổng cộng tất cả 15 bộ, như vậy, để vận dụng Tu chính án 25, phải có sự đồng ý của Phó Tổng thống Mike Pence và 8 vị bộ trưởng. Trong trường hợp Tổng thống phản đối, Tu chính án 25 quy định Quốc hội phải bỏ phiếu trong vòng 21 ngày để truất phế, số phiếu thuận phải là 2/3 số phiếu các vị dân cử ở cả hai viện. Nếu bỏ phiếu thất bại, tổng thống tiếp tục tại nhiệm.
Trở lại với vụ biểu tình, sự việc xảy ra làm các dân biểu và thượng nghị sĩ đang tham dự phiên họp của Hạ viện và Thượng viện đã phải ngưng cuộc tranh luận và đưa tới nơi an toàn.
Giới chức an ninh phải huy động nhân viên công lực và vệ binh Quốc gia để đến bảo vệ các thượng nghị sĩ và dân biểu đang bị kẹt bên trong tòa nhà, được lệnh khóa cửa, ở trong văn phòng của họ cho đến khi có thông báo mới.
 
Tại hiện trường, hàng trăm nhân viên công lực đã được huy động khắp khu vực Thủ đô Washington, DC, khi hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump không chấp nhận việc ông thua trong kỳ bầu cử hồi tháng 11/2020, đã kéo về biểu tình khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhóm họp để chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Trong tiến trình chuẩn bị đối phó với tình hình căng thẳng, cảnh sát đưa ra thông báo trong khu vực DC, cảnh cáo việc mang súng vào nơi đây là bất hợp pháp.

Giới chức công lực, gồm cảnh sát địa phương, Vệ binh Quốc gia và các cảnh sát liên bang mặc sắc phục, đã bắt giữ một số người trước khi cuộc biểu tình khởi sự, gồm cả lãnh đạo nhóm Proud Boys, một nhóm cực hữu từng được Tổng Thống Donald Trump nhắn nhủ là “chờ đợi sẵn sàng” trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với ông Joe Biden.

Người biểu tình đập bể cửa kính và cảnh sát phải rút vũ khí ở một cửa ra vào. Tiến trình chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống phải ngưng lại sau khi Quốc hội ngừng họp vì bạo động gia tăng cả bên ngoài lẫn bên trong trụ sở Quốc hội.

Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa - California), trưởng Khối Thiểu số Hạ viện cho hay, ông nghe cảnh sát nói có tiếng súng nổ. Theo tin chưa kiểm chứng, một người phụ nữ bị nhân viên công lực bắn bên trong Quốc hội và sau đó qua đời. Không có thêm thông tin gì khác về vụ nổ súng.

“Vệ Binh DC đã được điều động đến hỗ trợ nhân viên công lực liên bang ở Thủ đô. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Quốc hội và Bộ trưởng McCarthy (Lục quân) đang làm việc với chính quyền DC” - ông Jonathan Hoffman - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cho hay. “Nhóm nhân viên công lực giải quyết vụ này sẽ do Bộ Tư pháp dẫn đầu.”

FBI cho biết cũng đã điều nhân viên đến khu vực này. Loa thông báo bên trong Quốc Hội yêu cầu “tránh xa cửa sổ, cửa chính” và “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Nhân viên vẫn được phép đi lại bên trong.

Một thông báo khác bên trong phòng họp báo của Thượng viện ra lệnh: “Đóng toàn bộ cửa nẻo nếu được. Nếu không, tìm nơi trú ẩn. Giữ bình tĩnh và chờ đến khi có lệnh mới. Tôi lặp lại… có đe dọa về an ninh, đe dọa về an ninh, đe dọa về an ninh bên trong Quốc hội.”

Nhiều gói hàng khả nghi được tìm thấy gần khuôn viên Quốc hội, theo các giới chức công lực. Ít nhất một trong những gói hàng này trông giống bom ống.

Bình luận về cuộc bạo loạn, ông Tom Bossert, cố vấn nội an đầu tiên của Tổng thống Trump viết ngắn gọn trên Twitter “Chuyện này vượt xa cái sai và cái bất hợp pháp. Chuyện này là phi Mỹ”.