Tháo “nút thắt” cho mục tiêu chung

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện đang bị mang tiếng là một trong những địa phương có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận) thấp của cả nước.

Sở dĩ có tình trạng trên, theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Ðông, mặc dù, TP đã cấp khoảng 1,5 triệu Giấy chứng nhận lần đầu (đạt 100% số thửa đất đủ điều kiện và đạt 90% số thửa đất trên toàn TP) nhưng vẫn còn khoảng 146.000 thửa đất tồn đọng, vướng mắc, chưa thể cấp Giấy chứng nhận.
 Ảnh minh họa
Cũng với nguyên nhân như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) sau dồn điền đổi thửa mới được 270.000 GCN trên tổng số hơn 723.000 giấy, đạt 37%. Kết quả đạt được như vậy là còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai, cũng như nguyện vọng chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Liên quan tới việc cấp GCN chậm là vấn đề GPMB. Từ năm 2010 đến tháng 6/2016, trên địa bàn TP  có 3.073 dự án phải thu hồi đất. Trong số đó, đã hoàn thành GPMB 1.711 dự án; liên quan 213.554 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đã bố trí tái định cư cho 9.924 trường hợp.
Tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà tại các dự án đạt thấp. Hiện có khoảng 200.000 trường hợp bị ách tắc, nguyên nhân chủ yếu đến từ lỗi của chủ đầu tư.
Từ thực tế trên cho thấy nguồn gốc và thực trạng nhiều thửa đất ở Hà Nội rất phức tạp. Các trường hợp chưa cấp GCN có nhiều nguyên nhân, trong đó đối với các khu dân cư, có những thửa có nguồn gốc sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền… hiện còn có tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều thửa đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng, vi phạm Luật Đất đai đã bị tòa án quyết định xử lý hoặc kháng nghị của viện kiểm sát, kết luận của thanh tra các cấp kiến nghị thu hồi nhưng đến nay chưa xử lý được… nên các quận, huyện còn để lại chưa giải quyết cấp GCN.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, tình trạng vi phạm của chủ đầu tư diễn ra khá phổ biến như vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt; chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà nên không đủ căn cứ để cấp GCN. Nhiều chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà hoặc chưa muốn làm thủ tục cấp GCN do tình trạng mua đi, bán lại nhà đất và bên mua chưa nộp đủ giấy tờ.
Sổ đỏ và sổ hồng (GCN tài sản trên đất) là tài liệu thống kê cơ bản để Nhà nước có căn cứ trong hoạch định các chỉ tiêu kinh tế. Xét cho cùng, dân rất cần những chứng nhận này trong đời sống nhưng Nhà nước còn cần hơn. Vì vậy, hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên toàn địa bàn là một công việc rất quan trọng. Nhưng để tháo gỡ những vướng mắc như đã nêu là không đơn giản. Nếu không cải cách hành chính tạo thuận lợi cho dân, thay đổi một số chế tài pháp luật để các cơ quan nhà nước có cơ sở giải quyết thì những trường hợp tồn đọng sẽ rất khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không bao giờ giải quyết được, mục tiêu đạt 100% các hộ gia đình trên địa bàn có GCN quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là một mục tiêu xa vời.
Để tháo gỡ “nút thắt” này,  ngoài những biện pháp tích cực cụ thể như phân loại các trường hợp cần thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật để có thể cấp sổ đỏ. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện để cấp GCN theo quy định của pháp luật thì lập hồ sơ quản lý và không đưa các trường hợp này vào chỉ tiêu các trường hợp cần cấp GCN… UBND TP đã kiến nghị Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung sửa đổi một số quy định để phù hợp với thực tế. Những biện pháp tích cực, cụ thể trên rất cần được ủng hộ để việc cấp sổ đỏ sẽ hoàn thành trong thời gian từ nay đến 6/2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần