Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấp thỏm lo giá thịt lợn Tết

Ánh Ngọc - Trọng Tùng - Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều nỗ lực bình ổn của các bộ, ngành, giá thịt lợn đã quay về mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Nhưng khoảng một tháng nay khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, giá thịt lợn lại liên tục tăng cao từng ngày khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

 Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại siêu thị TMart Dương Nội (quận Hà Đông). Ảnh: Ánh Ngọc
Tăng giá từng ngày
Dù gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng thời điểm này, giá thịt lợn đã nóng lên từng ngày. Ngày 14/1, giá lợn hơi dao động từ 75.000 – 83.000 đồng/kg, giá thịt bán trên thị trường dao động từ 150.000 – 170.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, giá thịt lợn C.P có giá cao nhất là 159.900 đồng/kg, thịt lợn Meat Deli đang được bán với giá cao nhất là 234.900 đồng/kg. Mức giá này cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với cách đây một tháng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Dương Nội (quận Hà Đông) cho hay, khoảng một tháng nay, giá lợn nhập tại các lò mổ tăng giá từng ngày. Hiện giá lợn móc hàm đang được nhập 115.000 đồng/kg. “Giá thịt tăng nên lượng hàng bán ra chậm. Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán 2 con lợn nhưng hiện nay chỉ dám nhập 1 con/ngày” – chị Hạnh cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Toản, tiểu thương bán thịt tại chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, năm 2020, giá lợn hơi tăng mạnh nhất là vào tháng 5, đạt mức kỷ lục 100.000 đồng/kg sau đó giảm dần về mức 65.000 - 70.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 10 - 11/2020. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2020 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại. “Chỉ trong vòng một tháng mà thịt lợn đã tăng hàng chục giá. Tôi hy vọng đà tăng sẽ dừng, nhất là những ngày cận Tết. Bởi nếu giá giảm thì dễ tiêu thụ hơn, còn cao quá nhiều người tiêu dùng bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt năm vừa qua thu nhập bị giảm do dịch Covid-19” – anh Toản bày tỏ.

Thực tế cho thấy, giá thịt lợn nhảy múa trong thời gian gần đây chủ yếu diễn ra ở kênh bán lẻ truyền thống (chợ) do nguồn hàng cung cấp cho các kênh này không ổn định, chủ yếu thương lái thu gom từ nông hộ nhỏ lẻ. Mặt khác, do vào mùa chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết, nhu cầu tăng mạnh, các DN chăn nuôi dù tích cực tái đàn và tăng đàn nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết: “Các DN chăn nuôi lớn và trang trại chăn nuôi công nghiệp đã tích cực tái đàn và tăng đàn heo nên nguồn cung dồi dào hơn, chưa kể nguồn thịt nhập khẩu. Do vậy, nguồn cung thịt lợn Tết không khan hiếm nhưng giá vẫn ở mức cao vì đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ và chế biến tăng mạnh”.

Nhập khẩu thịt có phải là giải pháp?

Trước đó, để bình ổn giá thịt lợn, cùng với việc đẩy mạnh tái đàn, Bộ NN&PTNT đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn để bổ sung nguồn cung trong nước. Theo ghi nhận tại một số siêu thị như BigC, Mega market, Co.opmart..., giá thịt lợn nhập bán ra tại đây rẻ hơn thịt lợn "nóng" (thịt lợn không qua cấp đông, làm mát) trong nước 15 - 20% tùy loại. Đơn cử như, tại siêu thị T-mart Dương Nội, thịt lợn nhập khẩu được bày bán với bảng giá niêm yết: Thịt ba chỉ 139.900 đồng/kg, sườn 149.000 đồng/kg...

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, các DN bán lẻ đã tích cực dự trữ, nhập khẩu mặt hàng này, qua đó góp phần ngăn chặn hiện tượng thịt lợn tăng giá đột biến. Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) Nguyễn Thái Dũng cho hay, để đảm bảo cân bằng nguồn cung mặt hàng thịt, bên cạnh việc khai thác thị trường trong nước, DN đã chủ động nhập khẩu từ Mỹ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà; riêng tháng 12/2020, DN đã nhập khẩu 3 container thịt lợn.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Ánh Ngọc
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn (đông lạnh và lợn sống) bổ sung nguồn cung trong nước đã góp phần giảm "nhiệt" giá thịt lợn thời gian qua. Thời điểm cuối năm, các DN tiếp tục nhập thịt lợn về để bổ sung cho nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên nghịch lý là mặc dù lượng thịt lợn nhập khẩu về tương đối lớn và được bày bán phổ biến tại các siêu thị nhưng do thói quen tiêu dùng chuộng thịt “nóng” nên thịt lợn nhập khẩu chưa hẳn là “cứu cánh” để bình ổn giá lợn.

Khó dự đoán giá thịt lợn Tết

Về thị trường thịt lợn Tết Nguyên đán 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có yếu tố khó dự đoán do dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước khiến ngành chăn nuôi lợn vẫn gặp rủi ro. Song nhìn chung, dịp Tết khó xảy ra tình trạng thịt lợn khan hàng, sốt giá vì hiện tại nguồn cung lợn khá dồi dào. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thông tin, ngành công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến thịt lợn. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các DN, nhà phân phối điều tiết lượng cung, kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý Nhà nước, chia sẻ lợi nhuận, có trách nhiệm với người tiêu dùng để giá lợn không tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Đơn cử, hệ thống siêu thị Big C đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết; Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%. Việc các DN cùng chung tay với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bình ổn giá thịt lợn dịp Tết Tân Sửu 2021, Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản, chỉ đạo phát triển chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tiễn của dịch bệnh, thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và khu vực. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm, tăng sản lượng thịt, sản lượng trứng nhằm chủ động nguồn thực phẩm thay thế.

Từ tháng 6/2020, Việt Nam lần đầu cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Theo đó, đã có 28 DN nhập khẩu với số lượng 308.325 con lợn Thái Lan, bổ sung cho thị trường trên 23.000 tấn thịt. Cũng trong năm 2020 đã có 130 DN nhập khẩu hơn 212.000 tấn thịt lợn đông lạnh, tăng hơn 216% so với năm 2019.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương
Bộ Công Thương luôn theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông