Thất bại được báo trước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế, vòng 2 Hội nghị quốc tế về Syria (còn gọi là Geneva 2) đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào, kể cả việc ấn định vòng đàm phán thứ 3.

Diễn biến này càng làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn kéo dài gần 3 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Ngay trước khi vòng 2 của Hội nghị quốc tế Geneva 2 về Syria nhóm họp, các nhà phân tích đã bày tỏ sự nghi ngờ về một kết quả khả quan của cuộc đàm phán này. Nguyên nhân của thất bại này là do bất đồng sâu sắc trong cách tiếp cận vấn đề giữa các bên tại Syria. Trong khi, phía Chính phủ Syria muốn giải quyết vấn đề chống khủng bố và khẳng định sẽ không bàn thảo bất kỳ điều gì liên quan đến yêu sách đòi Tổng thống al-Assad phải từ chức. Phe đối lập trong lần đàm phán trực tiếp hiếm hoi với đại diện Chính phủ Syria đã đưa ra một tài liệu gồm 22 điểm về giai đoạn quá độ chính trị, chủ yếu đề nghị thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với trách nhiệm bầu ra một Quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức ngưng bắn, trả tự do cho tất cả các tù nhân... Tuy nhiên, việc phe đối lập không đề cập đến vai trò của đương kim Tổng thống al-Assad trong chính quyền chuyển tiếp đã vấp phải sự phản đối gay gắt của đại diện Chính phủ.

 
Phát ngôn viên Safi của Liên minh Dân tộc Syria (thuộc phe đối lập Syria) tại 1 cuộc họp báo sau vòng 2 Hội nghị Geneva . 	Ảnh: AP
Phát ngôn viên Safi của Liên minh Dân tộc Syria (thuộc phe đối lập Syria) tại 1 cuộc họp báo sau vòng 2 Hội nghị Geneva . Ảnh: AP

Xét trên phương diện quốc tế, nguyên nhân khiến Hội nghị Geneva 2 thất bại là do khoảng cách khó lấp đầy trong cách tiếp cận hồ sơ Syria của Nga và Mỹ. Ngay khi vòng đàm phán kết thúc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích các nỗ lực khiêu khích Chính phủ Syria nhằm đẩy nước này khỏi Hội nghị hòa bình ở Geneva. Phát biểu với báo giới sau khi hội đàm với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đang ở thăm Nga, ông Lavrov cho rằng, một số thế lực đang cố chính trị hóa tất cả các vấn đề nhân đạo tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, trong đó bao hàm các đe dọa sử dụng vũ lực. Ngoại trưởng Nga thậm chí còn không ngần ngại chỉ ra rằng, Mỹ và Pháp là các nước kiên trì đi theo con đường làm chệch hướng tiến trình chính trị tại Syria nhất.

Trog khi đó, sau cuộc hội đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 15/2 đã thừa nhận chưa thể giải quyết ngay được vấn đề Syria nhưng khẳng định, Mỹ đang xem xét một số bước đi mới, bao gồm việc gia tăng các nỗ lực nhân đạo và hối thúc các bên hữu quan tiếp tục hợp tác hướng tới một giải pháp ngoại giao. Động thái này của Mỹ cho thấy, giữa Washington và Moscow vẫn còn khá lớn, khiến tình hình Syria sẽ tiếp tục gặp nhiều bế tắc trong tương lai.