Thất bại lại là may

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - U16 Việt Nam vốn đã gây được cơn sốt khi bước vào trận chung kết giải trẻ Đông Nam Á. Rất nhiều người đã hy vọng đội bóng này sẽ đem về chiếc cúp vô địch cho bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, U16 Việt Nam đã thất bại trước Australia - đối thủ mà họ từng đánh bại ở vòng bảng. Nhưng với nhiều người, thất bại này lại có ích bởi khi ấy, dư luận bớt cơn sốt, hay quá ảo tưởng về dàn cầu thủ trẻ.

Từ lặng lẽ đến cơn sốt

Trước trận chung kết U16 AFF, giới truyền thông Việt Nam ùn ùn đổ sang Campuchia để đưa tin về sự kiện. Rất đông cổ động viên cũng đặt tour đến đất nước Chùa Tháp để cổ vũ các cầu thủ trẻ. Việt kiều ở Campuchia cũng được kêu gọi đến sân Olympic tiếp lửa cho các cầu thủ. Đây là điều xưa nay hiếm. Bởi ngoài một đội U19 vốn nhận được nhiều tình cảm của giới mộ điệu thì các sân chơi trẻ khác vốn nằm ngoài sự quan tâm của dư luận. Thậm chí, lứa U16 hiện tại đến Campuchia trong lặng lẽ và sự quan tâm chỉ đến khi họ bất ngờ hạ Australia bằng một lối chơi vô cùng ấn tượng.
Thất bại lại là may - Ảnh 1
Cơn sốt U16 Việt Nam đã lên rất cao. Thậm chí, trước sự ì xèo ở V.League, nhiều người còn tuyên bố giờ chỉ quan tâm đến bóng đá trẻ. Trên các mạng xã hội, người ta dạy nhau cách xem bóng đá trực tuyến và thỏa sức bình luận về chiến thắng của U16 Việt Nam. Thế nhưng, những cảnh báo đã được giới chuyên môn đưa ra trước trận chung kết. Rằng bất luận việc U16 Australia từng bị đánh bại bởi các cầu thủ Việt Nam thì điều đó chưa chắc đã tái lặp ở chung kết. Trận thua ở vòng bảng được nhiều người nhận định là do đối thủ chưa thích ứng với cuộc chơi nên vỡ trận. Còn khi đã bén nhịp, họ là đối thủ cực kỳ khó chịu. Và thực tế sân cỏ đã chứng minh cho những nhận định này. U16 Australia đã khẳng định được bản lĩnh của mình khi lội ngược dòng ngoạn mục, cầm hòa U16 Việt Nam ở phút 92 để được đá luân lưu 11m. Và ở thời điểm đó, các cầu thủ Việt Nam đã đánh mất tinh thần trong khi đối thủ lại vô cùng hưng phấn. Vậy nên, không quá ngạc nhiên khi Australia giành ngôi vô địch trong sự cay đắng của các cầu thủ Việt Nam.

Của để dành cho SEA Games

Thất bại ở trận chung kết có thể khiến nhiều người tiếc nuối. Nhưng, không ít chuyên gia lại khẳng định, điều đó tốt cho tương lai của các cầu thủ. Họ sẽ trở về với mặt đất sau những ngày bồng bềnh trên mây. Và đặc biệt là dư luận, tất cả sẽ thấy các cầu thủ không phải là siêu nhân hay những người cứu rỗi nền bóng đá. Họ còn nhiều hạn chế và muốn có một lứa cầu thủ giỏi thì bóng đá Việt Nam phải có lộ trình đầu tư dài hạn. Bằng tất cả những kinh nghiệm vả cả sự trả giá từ lứa U19 vốn được khoác lên vai quá nhiều sứ mệnh lịch sử, các nhà quản lý cần có cách ứng xử đúng mực với các cầu thủ trẻ. Giới truyền thông và dư luận hãy coi bước khởi đầu này là điều bình thường nhất trong bóng đá.

Theo tầm nhìn chiến lược của bóng đá Việt Nam, các cầu thủ U16 hiện nay chính là của để dành cho SEA Games 2021 được tổ chức tại Hà Nội. Những kế hoạch dài hạn và đầy tham vọng đã được phác thảo nhằm đưa các cầu thủ đầy tiềm năng thành ngôi sao mới của nền bóng đá. Đây là một định hướng đúng bởi muốn có tấm HCV SEA Games, bóng đá Việt Nam cần phải chuẩn bị lực lượng ngay từ lúc này. Bản thân lứa cầu thủ từng bước vào trận chung kết SEA Games 2003 cũng đã được đầu tư từ năm 2000 với việc thi đấu thành công tại VCK U16 châu Á tại Đà Nẵng.

Tháng 9 tới, U16 Việt Nam sẽ tham dự VCK châu Á tại Ấn Độ. Đây là cơ hội tuyệt vời để các cầu thủ trẻ làm quen với đấu trường đỉnh cao để trưởng thành. Có thể, sau đấu trường này, nhiều cầu thủ sẽ "lớn" rất nhanh về chuyên môn cũng như tư duy chơi bóng. Nó sẽ mở ra cánh cửa cho các cầu thủ trên hành trình trở thành những ngôi sao đầy tiềm năng của nền bóng đá.