Lãng phí, thất thoát lớn
Trong năm 2012, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức thực hành tiết kiệm của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao, ngân sách Nhà nước từng bước được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn, đó là nhận định báo cáo của Chính phủ đưa ra. Đến nay nhiều loại tài sản khác đã được thực hiện mua sắm tập trung, từ 2008 - 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc này là trên 467 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, theo nhận xét của các thành viên UBTVQH nhận xét: Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong từng lĩnh vực, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giải pháp khắc phục. Trong khi đó, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là vấn đề nổi lên trong năm 2012 và đây là mảnh đất màu mỡ đối với các hành vi tham nhũng. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là trên 91.000 tỷ đồng của hơn 47.200 dự án.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 5,96 tỷ đồng, đã thu hồi được 2,04 tỷ đồng. Đã xử lý 2 cán bộ, công chức vi phạm quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, thu hồi 12 triệu đồng nộp ngân sách; có 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền 362 triệu đồng theo đúng quy định. Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 9 người đã xử lý hình sự, 31 người đã xử lý kỷ luật. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục. Trong 7 tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán trên 371 tỷ đồng. Các cơ quan thanh tra Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai cũng nhiều lãng phí khi 6 tháng đầu năm 2012, thanh tra các cấp đã kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất sử dụng không đúng quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi, báo cáo Chính phủ kiến nghị thu hồi hơn 3.500 tỷ thất thoát chiếm bao nhiêu phần trăm trong tỷ lệ lãng phí của Nhà nước, việc thu hồi sẽ được triển khai thực hiện như thế nào. Trong 20 vụ vi phạm gây lãng phí đã được phanh phui, xử lý được bao nhiêu đối tượng và xử lý thế nào. Việc thu hồi đất phục vụ các dự án, cử tri phản ánh rất nhiều trước tình trạng đất nông nghiệp màu mỡ bị thu hồi, tại sao không lấy những khu đất xấu?
UBTVQH cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp. Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện nội dung liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do lãng phí gây ra, quản lý, sử dụng thời gian lao động trong khu vực Nhà nước, quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty.
Xử lý tham nhũng chưa quyết liệt
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 được đưa ra trước UBTVQH chiều 19/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Báo cáo của Chính phủ đã nêu ra tình trạng vụ việc tham nhũng phát hiện nhiều, xử lý ít, lớn chuyển thành bé, tội nặng thành tội nhẹ, vì sao? Tại sao có chuyện thiệt hại về tài sản lớn, thu hồi lại thấp?Theo giải trình của Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Đức Lượng: Trong nhiều trường hợp sai phạm được kết luận rất lớn, nhưng việc thu hồi không khả thi. Số vụ chuyển xử lý hình sự ít vì còn một số khác đã xử lý hành chính theo quy định... Ngoài ra, việc chứng minh được yếu tố vụ lợi, tham nhũng trong các vụ án kinh tế là rất khó khăn. Giải trình này đã vấp phải sự phản đối của UBTVQH. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng: Khó khăn ấy trong nhiều kỳ họp Quốc hội đã nói rồi. Lẽ ra cần phải "khoanh vùng" ra, cái nào là tội phạm kinh tế, cái nào thực sự là tham nhũng, từ đó mới đánh giá đúng, có giải pháp đúng được.
Nhiều thành viên UBTVQH cũng chưa hài lòng với những nhận định chung chung, không khác nhau từ năm này sang năm khác trong báo cáo của Chính phủ. Nếu cứ báo cáo chung chung như thế này thì đến một lúc nào đó, người dân sẽ không quan tâm nữa.
Chiều 19/9, Phiên họp thứ 11 của UBTVQH đã bế mạc sau gần 2 tuần làm việc với rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng luật và giám sát.
Luật Thủ đô tiếp tục được thảo luận tại Phiên họp tháng 10 Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, chương trình Phiên họp thứ 11 của UBTVQH trong các ngày từ 24 - 26/9 sẽ không diễn ra như dự kiến và được bố trí thảo luận tại Phiên họp thứ 12 diễn ra trong tháng 10. Trong các nội dung được bố trí lùi lại gồm việc UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Thủ đô; Luật Việc làm… |