Đội thêm chi phí của doanh nghiệp
Góp ý vào Dự thảo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ của Bộ Tài chính, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra nhiều điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Trong đó, quy định mới được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là quy định thay đổi thời điểm xuất hóa đơn. Cụ thể, theo Dự thảo, các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ tăng chi phí rất nhiều cho doanh nhiệp trong việc đầu tư ban đầu, duy trì hệ thống, lưu trữ dữ liệu.
VCCI nêu rõ, việc này sẽ tạo áp lực lớn cho ngành kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chuỗi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này, trong đó có việc đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt chi phí lợi ích của quy định này.
Đại diện một chuỗi nhà hàng ăn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, nhà hàng hiện có 5 cơ sở kinh doanh nằm ở các địa điểm khác nhau. Tất cả giao dịch của các chi nhánh đều có in phiếu tính tiền cho khách hàng. Dữ liệu phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử, thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày.
Nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính, hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Vì vậy, nếu phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì nhà hàng sẽ phải đầu tư thêm một khoản chi phí khá lớn mua máy móc, thiết bị. Đó là chưa kể, mỗi hóa đơn xuất ra lại phải tính thêm một khoản phí nữa.
Liên quan đến quy định xuất hóa đơn với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có phần mềm tính tiền, VCCI cho rằng, việc quy định gửi dữ liệu hóa đơn taxi về cơ quan thuế sau mỗi chuyến đi, theo phản ánh của doanh nghiệp, có thể dẫn đến một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Ví dụ, chi phí nâng cấp phần mềm của các hãng taxi tăng lên, tài xế quên, gặp khó khăn về thao tác thực hiện dẫn đến tắc đường…). Khi đó, doanh nghiệp có thể bị phạt do chuyển dữ liệu sai thời điểm.
VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc lại quy định, trong đó đánh giá tác động về chi phí lợi ích, có sửa đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Giải pháp hợp lý, nhưng cần thêm thời gian
Chia sẻ xung quanh những kiến nghị của doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết, theo quy định trước đây, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ ăn uống không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Nhưng thực tế, việc bán hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, với lý do người mua hàng không yêu cầu... Thực tế này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế.
Vì vậy, để công khai, minh bạch, rõ ràng và bình đẳng thì tốt nhất từng hóa đơn chứng từ phải có kết nối trực tuyến chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Tuy nhiên, trước mắt nên để các doanh nghiệp có một khoảng thời gian chuẩn bị và cũng chưa nên đánh đồng yêu cầu tất cả các ngành hàng, dịch vụ phải thay đổi thời gian xuất hóa đơn. Một số ngành hàng đặc thù như bán lẻ xăng dầu, dịch vụ vận tải, taxi… cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp, chuẩn bị. Tuy nhiên, về lâu dài, việc các ngành hàng, dịch vụ phải xuất hóa đơn từng hàng hóa có kết nối trực tuyến với cơ quan thuế là cần thiết. Đây là giải pháp để hướng tới nền kinh tế số.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc sử dụng hoá đơn điện tử trên cả nước góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu hoá đơn điện tử cho các cơ quan khác của nhà nước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của toàn xã hội nói chung.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế đến ngày 31/10/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn, trong đó, có hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã.
Về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến cuối tháng 10/2023, có 35.565 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hơn 51,6 triệu hóa đơn.