Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi thói quen, duy trì “vaccine ý thức”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn duy trì “vaccine ý thức”, thay đổi thói quen để thích ứng với cuộc sống khi dịch bệnh chưa thể trở về con số 0 hoàn toàn là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh thời điểm này. Đây cũng là một “chiến lược” quan trọng để duy trì mức độ kiểm soát dịch.

Thực tế hiện nay, để thích ứng với bối cảnh ảnh hưởng của dịch vẫn lan rộng, cùng với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhiều đơn vị đã và đang chủ động chuyển sang nghiên cứu, sản xuất để chung sống hiệu quả với dịch. Nhiều lĩnh vực đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động trực tuyến. Thương mại điện tử cũng được dịp bùng nổ và thanh toán điện tử được ưa chuộng. Người dân cũng đã quen với việc mua hàng trực tuyến. Các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn cũng sử dụng phương thức thanh toán điện tử nhằm giảm tối đa việc tiếp xúc giữa khách hàng với nhân viên. Với việc thực hiện liên tục các biện pháp giãn cách xã hội, các cửa hàng kinh doanh ăn uống đã rất linh hoạt chuyển sang phương thức ship hàng khi khách có nhu cầu.
 Giao dịch điện tử trở thành thói quen khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Hải Linh
Với các dịch vụ xã hội khác, các chuyên gia đề xuất, cũng nên có sự thay đổi để thích ứng như xe chở khách cần giảm số hành khách, bố trí lại ghế ngồi; chuyển sang làm việc từ xa lâu dài với những ngành nghề phù hợp. Công nghệ thông tin cần được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa vào việc "sống chung".

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung đã nhấn mạnh đến các đặc điểm đặc trưng của “bình thường mới” trong điều kiện dịch vẫn chưa hết hẳn. Trong đó trước hết, khi làm bất kỳ việc gì, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người sẽ nghĩ đến tính hiệu quả đầu tiên, nhưng bây giờ, phải song song vừa hiệu quả vừa an toàn. An toàn chính là cái mới. Sau nữa, “bình thường mới” đó là khi cuộc sống đòi hỏi con người, xã hội và từng DN phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Cách thức tổ chức sản xuất thay đổi, cấu trúc sản xuất thay đổi, cách thức tiêu dùng, cách thức sống thay đổi, chuyển sang số hóa nhiều hơn, online nhiều hơn.

Một giải pháp được các chuyên gia nhắc đến nữa chính là mỗi người dân “cần phải biết sợ”, vì dịch Covid-19 đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, ai cũng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, để tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Vậy nên, dù khi đã tiêm đủ vaccine cho 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, không có nghĩa là không thể nhiễm bệnh, mọi người vẫn cần tuân thủ 5K và quy định phòng chống dịch của ngành y tế, chính quyền địa phương nếu không muốn rơi vào thảm cảnh.

Nhưng thực sự đáng buồn khi thực tế những ngày qua, Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang áp dụng theo tinh thần của Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, lập tức xuất hiện tình trạng “điếc không sợ súng”, bất chấp dịch bệnh, đổ xô ra đường. Nhìn vào con số các lực lượng chức năng của TP đã xử phạt hàng ngày có thể thấy, vẫn rất nhiều người dân không tuân thủ giãn cách, nhiều người không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng…

Việc các địa phương có sớm chặn được dịch hay không, sống thích ứng được an toàn với dịch hay không, phụ thuộc lớn vào sự vào cuộc của mỗi công dân. Chiến dịch vaccine đang triển khai diện rộng trên toàn quốc, nhưng cần hơn hết là "vaccine ý thức" của mỗi người để đồng hành cùng Chính phủ chống dịch trong thời gian còn dài sắp tới.