Vì vậy nên điều chỉnh lại các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, đánh giá cấp độ dịch dựa trên độ bao phủ vaccine Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành Y tế.
Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Đếm ca nhiễm Covid-19 để phân mức độ dịch không còn phù hợp
Hiện tại, số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là 1 trong 3 yếu tố để đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số ca nhiễm hằng ngày không có ý nghĩa dự đoán, tiên lượng mức độ dịch. Vậy theo ông, có nên phân loại mức độ dịch Covid-19 theo cách đếm số ca mắc?
- Hiện nay, Hà Nội và các địa phương đang áp dụng 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: Các ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên cả nước đã rất cao, trên 90% số người dân trên 18 tuổi đã được tiêm hai mũi và hơn 17 triệu người đã tiêm mũi 3. Nếu mắc Covid-19 thì những người đã tiêm vaccine cũng rất ít chuyển nặng. Nên việc đánh giá cấp độ dịch ảnh hưởng rất lớn bởi tiêu chí ca mắc cộng đồng và khả năng thu dung, điều trị. Trong đó, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Có thể thời gian tới, biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm hàng ngày sẽ tăng vọt trên cả nước. Nếu vẫn giữ tiêu chí ca nhiễm cộng đồng để đánh giá cấp độ dịch, rất nhiều địa phương sẽ chuyển thành vùng cam, vùng đỏ, gây cản trở sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân.
Trong tình hình mới như hiện nay, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch là cần thiết và cấp bách. Căn cứ vào tình hình dịch hiện nay, các địa phương nên chú trọng vào tỷ lệ số ca tử vong, số ca nặng và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19, không nên chú trọng vào số ca mắc mới như trước. Vấn đề cần quan tâm là điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng, ca tử vong, ca bệnh liên quan đến người có bệnh nền.
Vì vậy, cách đếm số ca nhiễm Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh là không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, phải thay đổi mới đảm bảo được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế tại Hà Nội, việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 gây khó khăn, nhiều sức ép cho cả chính quyền cơ sở và hàng quán kinh doanh, người dân. Vậy theo ông, hiện nay Hà Nội phân loại mức độ dịch Covid-19 đã hợp lý chưa?
- Tại Hà Nội, ca mắc mới hai tuần gần đây đều gần 3.000 ca/ngày nhưng phần lớn F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đặc biệt là tỷ lệ tử vong lại rất thấp, chỉ chiếm 0,4%, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ 1,8% của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong của TP thấp hơn so với các địa phương khác. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 ở Hà Nội rất cao với 99,4% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi), 99,7% trẻ trên 12 tuổi cũng đã tiêm 2 liều vaccine. Hiện toàn TP đang tiếp tục tiêm mũi bổ sung tại 30 quận, huyện trên địa bàn.
Hiện nay, Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần, căn cứ vào số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực của hệ thống y tế. Trong 1 tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất 2 - 3 lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam", hoặc ngược lại.
Tăng một cấp độ dịch, từ "vùng vàng" lên "vùng cam" sẽ tác động không nhỏ tới đời sống người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bởi nhiều hoạt động tại các địa bàn “vùng cam” đều phải tạm dừng. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các địa bàn này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.
Việc liên tục đóng - mở hàng quán phục vụ khách tại chỗ dựa theo số ca nhiễm hằng ngày gây khó khăn rất lớn cho người dân, DN, bởi khó ai có thể thích ứng kịp. Hơn nữa, việc phân loại cấp độ dịch hiện nay còn đến tận cấp phường, nghĩa là có phường đóng cửa hàng quán, có phường lại được mở, khiến hiệu quả phòng chống dịch không cao.
Cần sớm thay đổi
Để khắc phục những bất cập trong đánh giá, phân loại cấp độ dịch Covid-19 nên lấy tiêu chí mới nào? Nếu thay đổi tiêu chí đánh giá, TP Hà Nội sẽ theo cấp độ dịch nào, thưa ông?
- Hiện nay, chúng ta nên đánh giá cấp độ dịch theo tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành Y tế. Bên cạnh đó, cách tính tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm hiện nay không còn phù hợp, cần sử dụng và phân tích tỷ lệ tử vong trên số lượng bệnh nhân phải nằm giường hồi sức cấp cứu. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.
Mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Việc phân loại cần được sát sao hơn, tránh bỏ sót trường hợp bệnh nhân nặng ngoài cộng đồng không được nhập viện điều trị kịp thời.
Khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới, Hà Nội sẽ trở thành vùng xanh, giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, giải quyết được nhiều vấn đề, tháo gỡ khó khăn cho các loại hình kinh doanh, trẻ em được đến trường. Nếu thay đổi tiêu chí đánh giá như vậy, Hà Nội sẽ trở thành vùng xanh, trẻ em được đi học, hàng quán nhiều nơi được mở cửa buôn bán tại chỗ trở lại, nhiều loại hình dịch vụ cũng sẽ được mở cửa thay vì cứ "nay mở, mai đóng" theo cấp độ dịch như hiện nay.
Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TP Hồ Chí Minh trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu… Thực tế, dù mở cửa trở lại, nhưng số ca mắc mới ở TP Hồ Chí Minh đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với Covid-19.
Để Hà Nội và cả nước thích ứng với dịch, cách đánh giá cấp độ dịch cần linh hoạt hơn, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện để đời sống kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhân dân đang mong chờ Bộ Y tế sớm ban hành Bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay đang là thời điểm giáp Tết, người dân đi lại, giao lưu đông, nếu điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo hướng "thoáng hơn" liệu có làm tăng thêm nguy cơ dịch Covid-19 không, thưa ông? Ông có khuyến cáo gì thêm để người dân không chủ quan khi số ca mắc đang ở mức cao, nhất là ở Hà Nội?
- Nếu điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo hướng "thoáng hơn" thì cũng không làm tăng thêm nguy cơ Covid-19. Vì đằng nào chúng ta cũng phải trao quyền tự quyết về sức khỏe cho người dân. Nếu người dân tụ tập thì họ chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình, đã có yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc 5K.
Khi số F0 đang tăng cao mỗi ngày ở Hà Nội, chúng ta không được chủ quan, cần tuân thủ tuyệt đối biện pháp 5K cũng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường truyền thông, chú trọng vào điều trị cho các trường hợp bị nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, Nhà nước đã chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho chiến dịch tiêm vaccine. Hiện, chủ yếu các bệnh nhân cũng đều ở thể nhẹ.
Người dân cần phải biết tự bảo vệ mình. Đặc biệt, khi các địa phương mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em, tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng.
Xin cảm ơn ông!