Giải quyết nhanh nhiều vụ việc
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay, dù lực lượng còn mỏng (chỉ có 5 người), nhưng nhờ chuyển từ thế bị động sang chủ động, trong quý I/2016, Thanh tra Sở Du lịch đã cùng các cấp, ngành giải quyết nhanh nhiều vụ việc. Đơn cử như yêu cầu DN trả lại tiền cho 2 du khách quốc tịch Belarus và 3 khách du lịch quốc tịch Anh. Đồng thời, phối hợp với Công an các quận Ba Đình, Tây Hồ kiểm tra và xử lý nhóm người bán hàng rong trên đường Thanh Niên, Phủ Tây Hồ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2016, kịp thời ngăn ngừa tình trạng chèo kéo khách…
Tuy vậy, do lực lượng Thanh tra Sở Du lịch còn mỏng nên chưa thường xuyên nắm bắt tình hình và thông tin kịp thời để có biện pháp ngăn ngừa các tệ nạn từ xa. Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt, cò mồi, ăn chặn, cướp giật… vẫn còn tiềm ẩn làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho du khách. Tình trạng mất VSMT, VSATTP vẫn chưa được đẩy lùi. Mặt khác, các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe người vi phạm. Phương pháp phối hợp giữa các ngành trong kiểm tra, xử lý còn lúng túng, chưa rõ người, rõ quy trình xử lý.
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Linh
|
Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ, nhất là khâu dự báo. Đặc biệt, chế độ thông tin giữa các cấp, ngành về những hiện tượng tiêu cực chưa kịp thời nên công tác phối hợp xử lý đôi khi còn chậm. Và, ý thức của một số người dân có hoạt động liên quan đến du lịch còn hạn chế, đề cao cái lợi trước mắt nên gây phản cảm cho du khách.
Gắn kết các lực lượng thanh tra
Ông Đỗ Đình Hồng cho hay, nhận định tình hình môi trường kinh doanh có nhiều hiện tượng phức tạp có thể gây bức xúc cho du khách, 3 tháng đầu năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành nhiều Kế hoạch, Quyết định, tổ chức nhiều buổi làm việc với các địa phương trọng điểm trên địa bàn TP. Đồng thời, khẩn trương triển khai phối hợp với các ngành thực hiện công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, kiểm tra nhằm hướng dẫn, tạo môi trường lành mạnh, bảo vệ các DN làm ăn chính đáng và an toàn cho du khách.
Trong đó, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh Kế hoạch số 02/KH-SDL ngày 12/1/2016 về phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động Du lịch năm 2016; và Thông báo số 05/TB-SDL ngày 19/2/2016, về việc triển khai Kế hoạch số 02/KH-SDL. Theo đó, Thông báo số 05/TB-SDL đã nêu cụ thể từng tháng, từng dịp lễ, tết Thanh tra Sở Du lịch sẽ kiểm tra ở đâu, kiểm tra nội dung gì và phối hợp với đơn vị nào.
Chẳng hạn, tháng 5, Thanh tra Sở Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Môi trường, Chi cục Quản lý Thị trường, Phòng Quản lý Cơ sở Lưu trú Sở Du lịch kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và Hà Đông. Tháng 6, Thanh tra Sở Du lịch phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải, và Phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên và vận chuyển khách du lịch trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hà Đông và thị xã Sơn Tây…
Thông báo số 05 cũng nêu rõ kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề vào các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; Quốc khánh 2/9, Noel và Tết Dương lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn TP. Giới chuyên môn và chính những người làm công tác thanh tra các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cũng cho rằng, văn bản này chính là minh chứng thể hiện công tác thanh tra du lịch Thủ đô đã chuyển từ thế bị động, sang chủ động. Đồng thời, gắn kết, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thanh tra có liên quan phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch một cách nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, ông Hồng đề nghị thanh tra, công an, các cấp, các ngành chủ động tham mưu và triển khai kịp thời các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 02/KH-SDL. Ông Hồng khẳng định, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tăng cường siết chặt hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn TP.
Đối với các cơ sở lưu trú, Hà Nội tập trung vào những cơ sở không xếp hạng, mạo hạng, không niêm yết giá, bắt chẹt khách, quảng cáo sai sự thật, không thực hiện những quy định của nhà nước, của ngành về kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Với các công ty lữ hành tập trung kiểm tra hướng dẫn viên, ngăn chặn việc kinh doanh không phép, quảng cáo sai sự thật, chèo kéo, lừa đảo, bắt chẹt khách. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các DN thiếu trách nhiệm trong việc quản lý khách, và hướng dẫn viên là người nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên khu vục phố cổ, khu vực Hồ Tây cũng sẽ được đẩy mạnh thanh, kiểm tra. Ngành du lịch Thủ đô quyết tâm không để hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt, cướp giật, lừa đảo… phổ biến hình ảnh, gây phản cảm cho du khách.