Đó là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đưa ra tại cuộc họp báo chiều muộn ngày 25/12.
Tiền lẻ đang bị “lạm dụng”
Cứ vào Rằm, mồng Một âm lịch và các dịp lễ, Tết, bà Nguyễn Thị Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) lại đi lễ ở Chùa Hà và một số chùa, phủ lớn trong, ngoài Hà Nội. "Theo thói quen, tôi vẫn đặt tiền lẻ lên ban thờ thắp hương. Nhưng ngẫm lại, thấy đúng là hình ảnh vừa không đẹp vừa làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của những địa điểm này. Tiền lẻ nhiều khi bay lả tả khắp đường vào lễ. Người ta dẫm đạp lên, thấy xót lắm. Có lẽ, tôi cũng phải thay đổi tư duy, tìm cách thể hiện tấm lòng thành một cách văn minh hơn"- bà Chung nói.
Dịch vụ đổi tiền lẻ tại chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Hồng Nguyên
|
Tại cuộc họp báo chiều qua, đại diện NHNN, Bộ VHTT&DL cho rằng, việc tiền lẻ được sử dụng để đi lễ là không đúng với chức năng đồng tiền. "Đi lễ bằng tiền lẻ một cách tùy tiện là một trong những vấn đề tác động lớn đến nét đẹp văn hóa và ngày càng trở thành vấn đề báo động. Đã là Thánh, là Phật thì còn ai nghĩ tới tiền. Đây là thói quen xấu cần được tuyên truyền để người dân thay đổi", ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nhấn mạnh. Trong khi đó, ứng về phía ngân hàng, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (NHNN) khẳng định: Bản chất của đồng tiền là phục vụ nhu cầu thanh toán trong lưu thông, mua bán chứ không phải phục vụ cho đi lễ hội, chùa chiền. Lượng tiền phục vụ nhu cầu này ngày một tăng, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Không có một nước nào sử dụng đồng tiền vào chức năng đó.
Thực tế thời gian qua đã xuất hiện nhiều hình ảnh thiếu văn minh khi người dân "lạm dụng" tiền lẻ khi đi lễ. Tiền là hình ảnh đại diện quốc gia. Nhưng tại nhiều lễ hội lớn, người đi lễ vẫn vô tư kẹp vào các bức tượng thờ tự linh thiêng, vứt xuống giếng, thậm chí người ta giẫm lên cả tờ tiền.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, chi phí in ấn tiền lẻ rất cao, có khi gấp 3 lần mệnh giá đồng tiền. Hơn nữa, sau các dịp lễ Tết, lượng tiền lẻ đi lễ này lại quay về ngân hàng và rất khó đưa trở lại lưu thông. Bởi vậy, Tết Giáp Ngọ năm nay, NHNN chủ trương hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng.
Tạo thói quen sử dụng tiền lẻ văn minh
Theo nhiều người, việc tùy tiện rải tiền lẻ khi đi lễ là một thói quen xấu, gây lãng phí và cũng không đúng tinh thần tín ngưỡng của dân tộc.Các chuyên gia kinh tế, văn hóa cho rằng, muốn thay đổi thói quen sử dụng tiền nhỏ đi lễ của người dân cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng như NHNN, Bộ VHTT&DL, Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định, hạn chế in thêm tiền lẻ mới mà ưu tiên sử dụng tiền lẻ cũ là một giải pháp đúng đắn. Vì điều này vừa đỡ gây lãng phí, vừa tận dụng hết được lượng tiền lẻ cũ từ các năm trước để lại. Cũng theo ông Phong, tại những điểm tổ chức lễ hội, đình, đền, chùa… ban quản lý có thể đặt các biển nhắc nhở về việc cấm đặt tiền lên ban thờ thắp hương, đặt tiền vào tượng Phật…
Đặt tiền lẻ tại nơi thờ tự đã trở thành thói quen của nhiều người dân khi đi lễ. Ảnh: Đức Giang
|
Vấn đề sử dụng tiền lẻ ở các nơi thờ tự linh thiêng cũng được nhiều người bàn đến. Đại diện Bộ VHTT&DL cho rằng, đền chùa là thể hiện lòng thành. "Nếu muốn đóng góp xây dựng đình chùa, người dân có thể công đức nhà chùa bằng 1 - 2 tờ tiền mệnh giá lớn. Hiện, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các chùa chỉ đặt 1 - 2 hòm công đức chứ không nên đặt tràn lan tại các ban như hiện nay" - vị đại diện này nói. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có các giải pháp tuyên truyền để người dân hạn chế và tiến tới chấm dứt việc rải tiền lẻ mỗi dịp lễ, Tết. NHNN cũng đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội...
"Theo tôi hình ảnh người đi lễ gặp chỗ nào cũng đặt tiền, thậm chí nhét vào khe cửa, cành cây hoặc rải khắp các ban thờ, cài vào lư hương... để tiền rơi vãi khắp nơi cần được loại bỏ. Muốn làm việc thiện đã có hòm công đức, không cần cứ phải rải tiền khắp nơi mới là thành tâm." - Chị Phan Ngọc Anh (31 tuổi - Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội) |