Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấy gì từ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 2/9?

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, lượng hành khách chọn phương tiện di chuyển đường bộ và đường sắt tăng vọt, trong khi đó, lượng khách nội địa ngành hàng không sụt giảm so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, xu hướng di chuyển của người dân dần thay đổi. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối và việc ứng dụng các tiện ích công nghệ đang mang đến cho người dân những lộ trình chủ động với chi phí phù hợp hơn và những trải nghiệm thú vị trong những chuyến đi.

Khách đi tàu xe tăng, hàng không giảm

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc đi lại của người dân trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9 cơ bản được đảm bảo. Lưu lượng giao thông đường bộ tăng cao vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, sau đó đều giảm dần, thông thoáng trong 2 ngày tiếp theo và tăng trở lại vào ngày cuối của kỳ nghỉ.

Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng cho biết, ngày 31/8 là ngày cao điểm nhất của đợt cao điểm nghỉ lễ vừa qua với tổng cộng 2.370 chuyến xe tại cả 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm (do công ty quản lý) phục vụ 44.126 hành khách (tăng 473% so với ngày thường và tăng 106% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, bến xe Mỹ Đình điều hành 4.079 lượt chuyến xe, phục vụ 60.202 lượt hành khách; bến xe Giáp Bát điều hành 4.075 lượt chuyến xe, phục vụ 42.690 lượt hành khách; Bến xe Gia Lâm điều hành 2.137 lượt chuyến xe, phục vụ 13.020 lượt hành khách.

Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, dịp Lễ 2/9, ba bến đã tăng cường 853 xe khách. Trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 386 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 12 xe; Bến xe Mỹ Đình tăng cường 455 xe.

Về đường sắt, đa số các chuyến tàu đều kín chỗ, nhiều chuyến có hệ số sử dụng chỗ tăng cao so với cùng kỳ 2023. Theo thống kê, từ 31/8 - 3/9 có 42 tàu khách Thống Nhất (tăng 3 chuyến, tăng 7,7%); 141 tàu khách địa phương (tăng 25 chuyến, tăng 21,55%), 132.570 lượt khách đi tàu (tăng 11,9 %) so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, doanh thu đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.

Hành khách chọn đi tàu hoặc xe khách tăng vọt trong dịp nghỉ Lễ 2/9.
Hành khách chọn đi tàu hoặc xe khách tăng vọt trong dịp nghỉ Lễ 2/9.

Trong khi lượng hành khách qua các bến xe, ga tàu tăng vọt thì ngành hàng không trải qua một kỳ nghỉ khá ảm đạm vì lượng khách bay thấp so với cùng kỳ.

So với năm 2023, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không đạt hơn 763.000 lượt (bằng 98%) hơn 1,1 triệu hành khách (giảm 6,7%) 7.000 lượt hạ/cất cánh (giảm 13,4%). Trong đó, vận chuyển khách nội địa đạt hơn 356,5 nghìn lượt (giảm 15,6%).

Dịp Lễ 2/9, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khai thác hơn 2,5 nghìn lượt cất/hạ cánh (giảm 9,3%) xấp xỉ 407.000 hành khách (giảm 7,4%). Cảng HKQT Nội Bài khai thác gần 2.000 lượt cất/ hạ cánh (giảm 8,3%), với gần 314.000 hành khách (giảm 1,1%). Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, sản lượng đạt hơn 900 lượt cất hạ cánh (giảm 2,9%), hơn 111.000 hành khách (giảm 13,3%). 

Trong giai đoạn nghỉ lễ Quốc khánh, các hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 2.700 chuyến bay (trung bình gần khoảng 700 chuyến/ngày). Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 73,6%. Số chuyến bay thông báo hủy của các hãng là 18 chuyến.

Dịch chuyển xu hướng tiêu dùng

Nhiều người dân cho rằng, dù tăng chuyến dịp lễ nhưng giá vé máy bay cao, có chuyến và khung giờ mức giá tăng lên đến 40% so với ngày thấp điểm khiến khách hàng phải cân nhắc khi rút hầu bao. Hơn nữa, trễ chuyến cũng là một trong những lo ngại hàng đầu của khách đi lại bằng đường hàng không. 

Thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, đường bộ hiện nay có nhiều tuyến cao tốc mới thông tuyến cả miền Nam lẫn miền Bắc, đường sắt cũng có nhiều đổi mới hơn trong dịch vụ. Nếu như trước đây việc mua vé tàu, vé xe có nhiều bất tiện khi phải đến tận nơi để mua thì nay người dân có thể đặt vé tàu xe online, đặt chỗ tự động, mua qua điểm du lịch, có xe trung chuyển đưa đón tận nơi. Những cải tiến này đã mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho hành khách. 

Hơn nữa, nếu như máy bay bị trễ chuyến, hủy chuyến phải vạ vật chờ đợi thì tàu, xe có tính chủ động cao hơn. Có thể thay đổi chuyến, khung giờ linh hoạt. Vì vậy với những cung đường vừa phải như Hà Nội đi các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình...trước đây nhiều khách chọn bay thì nay lại chuyển sang đi đường bộ cao tốc.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc lượng khách sụt giảm liên tục trong 2 kỳ nghỉ dài gần đây là dịp 30/4 – 1/5 và 2/9 cho thấy phản ứng mạnh mẽ của thị trường. Bên cạnh các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tăng giá vé như cơ cấu lại đội bay, việc triệu hồi động cơ dẫn đến thiếu hụt máy bay, chênh lệch tỉ giá...thì các vấn đề như huỷ chuyến, trễ chuyến, vé neo cao cho thấy điểm chạm giữa ngành hàng không và khách hàng còn rất nhiều trở ngại.

Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Phương nhận định, xu hướng của người tiêu dùng dần thay đổi, giá vé máy bay một mình một ngựa đang làm khó người dân và du lịch, ngành hàng không phải rút kinh nghiệm và tính toán bài toán kinh tế để nhịp nhàng hơn với thị trường.