Trong bối cảnh ngành hàng không đang chịu sự tàn phá dữ dội của dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã có chủ trương giảm giá dịch vụ cho tất cả các hãng bay đang sử dụng các dịch vụ tại 21 cảng hàng không mà đơn vị này đang quản lý, khai thác.
Giảm giá 7 dịch vụ vẫn chưa thỏa mãn
Theo đó, ACV sẽ thực hiện việc giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả hãng bay trong thời gian 6 tháng, từ 1/3 đến hết tháng 8/2020. Đơn cử: ACV sẽ giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, giảm 10%. Đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các hãng hàng không dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%.
Việc đưa ra chủ trương giảm giá dịch vụ sân bay của ACV được hiểu là đơn vị này muốn chia sẻ khó khăn và thiệt hại với các hãng hàng không trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội trên thế giới. Trên thực tế, việc làm của ACV được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước đó.
Những tưởng ACV sẽ nhận được sự hoan nghênh của dư luận cũng như các hãng hàng không thì bất ngờ có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia giao thông cho rằng, sự hỗ trợ này chỉ mang tính hình thức và không mang lại hiệu quả thiết thực bởi hầu hết các loại phí nằm trong danh mục miễn giảm đều là phí thấp hoặc không nhiều hãng hàng không sử dụng.
Đơn cử, phí dẫn tàu bay được giảm 50% vốn là loại phí thấp. Hơn nữa do ảnh hưởng của Covid-19, hiện nhiều tàu bay của các hãng đang trong tình trạng “nằm đất” nên không cần sử dụng đến dịch vụ dẫn tàu bay. Hay như phí thang ống, phí thuê băng chuyền, phí phân loại hành lý tự động, phí thuê quầy và phí phục vụ mặt đất lại chỉ được giảm 10%. Đây là mức hỗ trợ quá thấp và trong lúc ít hoặc không có khách bay thì cũng không có tác động đáng kể đối với các hãng. Thậm chí, phí thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện được giảm 30% cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu về diện tích thuê làm văn phòng đại diện ở các nhà ga của các hãng bay đã được tiết giảm đáng kể.
Trong khi đó, nhiều loại phí khác được giữ nguyên lại đang là những loại phí ảnh hưởng sát sườn đến hoạt động sản xuất của các hãng hãng không. Có thể kể đến là dịch vụ đỗ máy bay ở sân. Hiện, ACV thu phí dịch vụ sân đỗ 32.000 đồng/tấn/ngày, trọng lượng máy bay từ 77 - 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay. Dịch vụ đầu cuối cũng “ngốn” của các hãng hàng không hàng cũng không được cho vào danh sách giảm.
Cách “chia sẻ” vô nghĩa?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, với danh mục những loại phí được giảm giá mà ACV đưa ra có thể thấy đơn vị này không thật sự có thiện chí muốn chia sẻ khó khăn với các hãng bay mà chỉ là sự chia sẻ mang tính hình thức.
“Thiệt hại của các hãng hàng không vì Covid-19 là rất lớn trong khi cách “chia sẻ” của ACV chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng thật sự và là vô nghĩa. Đáng ra họ phải hỗ trợ những cái người ta cần và có tác dụng thật sự để giảm bớt thiệt hại của người ta. Thực chất là ACV không muốn giảm nguồn thu của mình” - PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Để làm rõ hơn nhận định của mình, chuyên gia kinh tế này phân tích, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiêu biểu có chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tiền tệ là giảm lãi suất và nợ ngân hàng khi đi vay. Còn chính sách tài khóa là tập trung vào việc giảm thuế và phí. Có thể hoãn hoặc giãn thuế nhằm giúp doanh nghiệp có được nguồn lực để đầu tư sản xuất tiếp trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận bị sụt giảm vì dịch bệnh.
Bởi khi sản xuất bị ảnh hưởng, lợi nhuận không có thì doanh nghiệp sẽ phải đi vay tiền để trả nợ hoặc nộp thuế. Điều này vô hình chung khiến nguồn vốn của họ lớn hơn. Mà chi phí vốn lên đương nhiên sẽ tác động tiêu cực lại với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Ở các nước khác, khi công cụ để khắc phục cái ảnh hưởng của dịch bệnh đến các doanh nghiệp. Thậm chí nước Mỹ còn hỗ trợ cả người dân chứ không chỉ doanh nghiệp. Ở nước ta đang tập trung chủ yếu với doanh nghiệp trước nhưng việc hỗ trợ này cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực gián tiếp tới người tiêu dùng. Với thực lực kinh tế hiện nay của nước ta, chủ trương ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp là phù hợp và cần thiết” - PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.
Đi sâu vào tình trạng khó khăn hiện tại của các hãng hàng không, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải thấy các hãng hàng không đang phải gồng mình lên trong đại dịch để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa làm tròn nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao phó.
“Hàng không vốn là lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất từ Covid-19. Không những thế, hàng không còn đang tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, đó là chở công dân Việt Nam từ những nơi có dịch hồi hương. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Nhà nước giao phó chứ không phải là hoạt động kinh doanh. Việc làm này là vô cùng đáng trân trọng trong bối cảnh chính các hãng hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Trong bối cảnh các hãng hàng không bị thiệt hại như thế, Chính phủ đã có chủ trương yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vận tải hàng không. Với cách làm như hiện nay của Bộ GTVT và ACV, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng là mang tính chất đối phó và chia sẻ theo kiểu “muỗi đốt thân cây”: “ACV bị áp lực bởi chủ trương của Chính phủ, buộc ông phải làm nhưng ông làm theo kiểu hình thức, làm cho có mà thôi”.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông nói, cách chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không của ACV là “đọc lên đã thấy buồn cười rồi”. Theo TS Đức, ngành hàng không đang lên vù vù thì gặp phải dịch bệnh và ngay lập tức bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Đến ngay cả Vietnam Airlines còn phải thi hành một loạt các biện pháp để duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh doanh thu bị hao hụt nghiêm trọng.
“Đây là lúc Bộ GTVT phải thể hiện vai trò và sự quan tâm cần thiết của mình với các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không. Nhưng cách quan tâm theo kiểu hình thức như thế này thì chẳng ăn thua gì. Tất nhiên họ sẽ có nhiều lý do để bảo vệ cho cách làm của mình nhưng nếu thật sự quan tâm đến các hãng hàng không, Bộ GTVT sẽ có cách giúp ngay” - TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
Trong khi đó, trả lời phóng viên Kinh tế Đô thị về chủ trương hỗ trợ các hãng bay mà ACV đưa ra cũng như quan điểm trái chiều của các chuyên gia, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng Bộ GTGT khuyến cáo "mọi người cần tìm hiểu thông tin đa chiều hơn".
Theo ông Dũng, bản thân ACV cũng là một doanh nghiệp, ở đây là doanh nghiệp cổ phần của Nhà nước, trong giai đoạn này họ cũng chịu thiệt hại, doanh thu cũng sụt giảm rất lớn - trong đó vẫn phải tổ chức hoạt động, đảm bảo mọi điều kiện hoạt động bình thường của hệ thống CHK mà họ quản lý; điều đó cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.
Hàng năm, ACV đều phải xây dựng, đăng ký kế hoạch doanh thu, kế hoạch lợi nhuận và báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp (cơ quan quản lý - PV), bất cứ sự ảnh hưởng, điều chỉnh gì về tài chính đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, giải quyết
"Lâu nay, có dư luận hiểu rằng, lợi nhậu mà ACV thu về là của họ và họ được toàn quyền sử dụng, nhưng thực tế, phần lớn lợi nhuận là ACV thu về cho Nhà nước, họ được giao quản lý và thực hiện chi tiêu theo sự điều tiết của nhà nước và pháp luật liên quan. Lĩnh vực hàng không có tính quốc tế rất cao, mọi nguồn phí, thuế đều phải được tính toán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam; các sân bay trên thế giới, hay cả CHK tư nhân như Vân Đồn đều cơ bản thu những loại phí như vậy, có chăng là khác về hình thức và chủ thể thu" - ông Uông Việt Dũng nói.
Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết thêm, ACV cũng là doanh nghiệp mà lại là doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước nên làm gì cũng phải cân nhắc, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc giảm loại phí nào thuộc phạm vi danh mục dịch vụ hàng không do nhà nước quy định và đã đăng ký thì ACV không có quyền quyết định mà phải có nghiên cứu, đánh giá rất kỹ và đề xuất lên cấp cơ quan có thẩm quyền như Bộ GTVT, Bộ Tài chính hoặc cao hơn nữa là Chính phủ để giải quyết.
"Doanh thu hàng năm của ACV còn liên quan đến quyền lợi của các cổ đông, liên quan đến chế độ quyền lợi của cán bộ công nhân viên, liên quan đến việc phát huy và bảo tồn nguồn vốn của Nhà nước" - ông Dũng khẳng định.
Hiện nay, Bộ GTVT đã tổng hợp những kiến nghị, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Hàng không để gửi Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định ban hành chính sách để hỗ trợ Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cũng liên quan đến vấn đề giải cứu các hãng hàng không, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ.
"Chính phủ đang xem xét ý kiến của tất cả các Bộ, ngành về tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ hàng không. Bây giờ quan trọng nhất là vấn đề thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp và vấn đề giảm giá dịch vụ" - ông Nguyễn Trí Đức nói.