Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy giáo kể chuyện sếu đầu đỏ qua những bức tranh làm từ vỏ tràm

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lòng yêu mến thiên nhiên, nặng lòng với sếu đầu đỏ, đã thôi thúc thầy Nguyễn Văn Cảnh miệt mài nghiên cứu và tái hiện những nét sinh hoạt sống động của loài sếu bằng những bức tranh được làm từ vỏ tràm khô của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Bước vào ngôi nhà của thầy Nguyễn Văn Cảnh (55 tuổi, ngụ tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, giáo viên mỹ thuật tiểu học), chúng tôi bị choáng ngợp bởi những bức tranh được làm từ vỏ tràm. 

Chất liệu chính cho những tác phẩm tranh của thầy Cảnh là vỏ tràm. Vỏ tràm già với cấu tạo hàng trăm lớp xếp chồng lên nhau, mỗi lớp, mỗi phía tùy vào tác động của thiên nhiên, tuổi thọ cây sẽ có màu sắc rất đẹp. Đây là yếu tố làm cho tác phẩm vừa sinh động, vừa tự nhiên. 
Chất liệu chính cho những tác phẩm tranh của thầy Cảnh là vỏ tràm. Vỏ tràm già với cấu tạo hàng trăm lớp xếp chồng lên nhau, mỗi lớp, mỗi phía tùy vào tác động của thiên nhiên, tuổi thọ cây sẽ có màu sắc rất đẹp. Đây là yếu tố làm cho tác phẩm vừa sinh động, vừa tự nhiên. 

Thầy Cảnh kể, lúc nhỏ may mắn nhà ở cạnh Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nơi đây có rất nhiều sếu đầu đỏ tập trung về ăn củ năng trên đồng sau mùa nước rút. Mỗi ngày sau khi đi học về thầy cùng nhóm bạn trong xóm rủ nhau ra đồng chơi nên tuổi thơ của thầy đã gắn liền với những đàn sếu. Hình ảnh ấy dần đi vào tiềm thức của thầy.

Thầy Nguyễn Văn Cảnh dùng bút lửa khắc họa từng đường nét của sếu đầu đỏ trên bức tranh.
Thầy Nguyễn Văn Cảnh dùng bút lửa khắc họa từng đường nét của sếu đầu đỏ trên bức tranh.

"Ngày nay, số lượng sếu ở Vườn Quốc gia ngày càng ít đi, không còn bao nhiêu người được thỏa thích nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của sếu. Vì thế, tôi đã nghĩ ra ý tưởng làm tranh tái hiện lại hình ảnh sếu bằng chính vỏ tràm từ rừng tràm nơi sếu từng sinh sống để cho mọi người hiểu rõ hơn về những đặc tính của loài sếu." - thầy Cảnh nói về cơ duyên đến với nghề làm tranh từ vỏ tràm.

Với mỗi bức tranh được tạo ra là thêm một câu chuyện về sếu được mang đến cho du khách gần xa.
Với mỗi bức tranh được tạo ra là thêm một câu chuyện về sếu được mang đến cho du khách gần xa.

Tận dụng 3 tháng nghỉ hè và những ngày nghỉ cuối tuần rảnh tay, thầy Cảnh đã tranh thủ vào rừng kiếm những chất liệu tự nhiên sẵn có để làm tranh. Trong những lúc vào rừng, ông chọn ghi nhớ khung cảnh thiên nhiên như sếu bay, sếu kiếm ăn, hay mặt trời đổ bóng trên vạt rừng, lấy đó làm chủ đề cho tác phẩm.

Theo thầy Cảnh, trong rất nhiều chất liệu tìm được, ông nhận thấy vỏ tràm có phẩm chất đặc biệt nhất. Từ một tấm vỏ dày bóc ra từ cây tràm cổ thụ, thầy tách được khoảng 200 lớp, mỗi lớp lại có màu khác nhau, từ đen, xám, trắng, xanh rêu đến hồng. Từ khi nhận ra ưu việt của vỏ tràm, 13 năm nay thầy chuyên tâm làm tranh với chất liệu này.

Có 2 tác phẩm "Sếu gọi xuân về" và "Vũ điệu trong nắng mới" được khách đặt nhiều, thầy Cảnh làm với số lượng lớn. Sản phẩm được ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Có 2 tác phẩm "Sếu gọi xuân về" và "Vũ điệu trong nắng mới" được khách đặt nhiều, thầy Cảnh làm với số lượng lớn. Sản phẩm được ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương.

"Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất trong làm tranh là tạo hình và ghép các mảnh vỏ tràm thành tranh. Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những bức tranh đậm chất nghệ thuật miêu tả và nhất là phải đưa được hồn sếu vào trong tranh." - thầy Cảnh chia sẻ.

Thầy Cảnh cho biết, vì là sản phẩm nghệ thuật nên chỉ khi có cảm hứng mới làm được. Có những bức tranh thầy hoàn thành trong một buổi, nhưng có khi 10 ngày vẫn chưa làm xong một bức.

Với mỗi bức tranh được tạo ra là thêm một câu chuyện về sếu được mang đến cho du khách gần xa. Đến nay, thầy Cảnh đã làm được hơn 3.000 tác phẩm tranh vỏ tràm. 

Sản phẩm của thầy Cảnh thường được các đơn vị đặt làm quà biếu, hoặc được khách du lịch mua làm quà lưu niệm. Tùy kích thước, mỗi bức tranh có giá từ 100.000 đồng đến 3 triệu đồng. Đơn hàng lớn nhất thầy Cảnh từng nhận được đơn đặt hàng 100 bức tranh cỡ nhỏ. Hàng ngày lượng khách đặt tranh vẫn đều, cả khách trong nước và quốc tế.

Thầy Nguyễn Văn Cảnh tâm sự: “Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, hiện tôi còn phối hợp với một số điểm du lịch tại Tam Nông để đón tiếp khách du lịch đến xưởng tranh tham quan và trải nghiệm các công đoạn thực hiện một tác phẩm tranh vỏ tràm. Thông qua những câu chuyện, những tác phẩm tranh của mình, tôi hy vọng du khách có sự trải lòng, thấu hiểu hơn về ý nghĩa của việc chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sếu đầu đỏ...”.