Thầy giáo trẻ và những giờ học không sách vở

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề chưa nhiều, nhưng bằng năng lực công tác và tấm lòng nhiệt huyết, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Minh (SN 1983), giảng viên bộ môn Nội - Chẩn - Dược lý, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có sáng kiến, tạo việc làm cho hàng nghìn sinh viên (SV); tình nguyện giúp đỡ bà con nông dân những vấn đề xoay quanh cuộc sống trong những giờ học không sách vở.

Nuôi dưỡng ước mơ đứng trên bục giảng từ khi còn là SV và dành tâm huyết đặc biệt cho chuyên ngành Thú y, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Minh đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Để chạm đến trái tim học trò, thầy giáo trẻ đã cố gắng truyền thụ kiến thức, rèn kuyện kỹ năng sống, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho SV, giúp họ có cơ hội rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình. Nhiều SV chia sẻ, “chính thầy Minh là người truyền cảm hứng học cho chúng em”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh (bên phải) cùng sinh viên trong giờ thực hành.
Năm 2009, với mong muốn giúp SV Khoa Thú y có môi trường học tập và rèn luyện chuyên môn nâng cao tay nghề để tự tin bước vào công việc trong tương lai, thầy Minh đã tìm hiểu và sáng lập Câu lạc bộ chuyên ngành Thú y. Đây là câu lạc bộ chuyên ngành đầu tiên của trường và là một trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2011. Cùng với lợi thế là Phó Bí thư Đoàn trường, Trợ lý đào tạo của Khoa, thầy Minh đã chủ động kết nối SV với các DN, mang lại cơ hội việc làm cho hàng nghìn SV thông qua các diễn đàn và mạng xã hội Facebook. Đồng thời, liên hệ vận động tài trợ học bổng cho SV, tổ chức các hoạt động giao lưu chuyên môn, định hướng việc làm cho SV. “Tôi mong muốn chia sẻ thật nhiều kinh nghiệm thực tế về chuyên môn, định hướng mục tiêu và kỹ năng sống giúp các em vững tin bước vào cuộc sống. Tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN với SV để giúp các em sớm có công việc phù hợp, thu nhập cao giúp đỡ gia đình. Vì đa số SV là con em gia đình nông dân khó khăn” - thầy Minh chia sẻ.

Không chỉ đảm nhiệm công tác giảng dạy, thầy Minh còn đam mê các hoạt động xã hội và hoạt động tình nguyện. Điển hình là thầy đã trực tiếp tổ chức và vận động tài trợ cho nhiều hoạt động tình nguyện tại những vùng khó khăn: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội), tổ chức phát thuốc thú y, tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT) và chống rét cho trâu bò tại Bắc Hà (Lào Cai), Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Hà Giang…

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, thông qua các lớp dạy nghề theo Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn, thầy giáo Minh đã trực tiếp tham gia giảng dạy cho gần 100 lớp tại các huyện ở Hà Nội và các địa phương trong nước với gần 4.000 hộ chăn nuôi tham gia. “Thông qua các lớp dạy nghề, tôi có cơ hội được truyền tải các kiến thức KHKT, giải đáp thắc mắc cho người chăn nuôi giúp họ giảm bớt các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng nông thôn mới” - thầy Minh kể. Đồng thời chia sẻ, qua công tác thiện nguyện khi giúp bà con nông dân cứu được đàn vật nuôi (đối với họ là cả một gia tài), nhìn họ nở nụ cười, bản thân thầy là một người làm công tác thú y cũng cảm thấy ấm lòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần