Thầy Nguyễn Trung Hiếu-đạo cao, đức trọng

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/9/2020, Viện sư phạm xã hội Trường Đại học Vinh đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Nguyễn Trung Hiếu- Nhà giáo- Nhà nghiên cứu- Nghệ sĩ, Tài hoa và Nhân cách”. TS. Nguyễn Ngọc Hiền- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PSG.TS Nguyễn Huy Bằng- Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, cùng các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo, cựu sinh viên khoa Văn Trường Đại học Vinh và đại diện gia đình đã có mặt tham dự buổi tọa đàm.

Đối với những thế hệ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh những năm 60-80 của thế kỷ trước, các thầy giáo Văn Như Cương (khoa Toán), Nguyễn Trung Hiếu (khoa Văn) là những hình mẫu về người thầy đạo cao, đức trọng.
Một ông đồ Nghệ chính hiệu
Thầy Nguyễn Trung Hiếu (1925-1995) là người còn của  xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (phía Tây lèn Hai Vai), tỉnh Nghệ An. Khi 35 tuổi, đang là giáo viên dạy Văn cấp 2 Diễn Châu thầy thi đỗ vào trường Đại học sư phạm Vinh (1960) và chính trường đại học này đã tạo dựng nên tên tuổi Nguyễn Trung Hiếu. Các ông Nguyễn Bá, Trương Đình Tuyển (đều là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) đều là học trò của thầy Hiếu khi ông dạy học ở Diễn Châu.
Chân dung tự họa. Ảnh gia đình cung cấp

Vốn là người giỏi tiếng Pháp, am hiểu chữ Hán nên dù 35 tuổi với theo học khóa 2 của trường Đại học sư phạm Vinh ông có sức học vượt trội và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Văn. Với vốn kiến thức dày dặn, am hiểu 2 ngoại ngữ thuần thục Thầy tôi có thể dạy được hầu hết các phân môn của khoa Văn học và bắt tay vào viết cuốn "Giáo trình văn học phương Tây"... Cuốn sách giáo khoa ở bậc đại học này đã được sử dụng rộng rãi cho các trường Đại học sư phạm trong cả nước.
Say sưa nghiên cứu, say sưa lao động sáng tạo, say sưa giảng dạy miệt mài thầy quên cả việc lập gia đình, phải đến 50 tuổi, vị khách cuối cùng của thư viện nhà trường với lên xe hoa cùng cô thủ thư Nguyễn Thị Đa (kém thầy khoảng 20 tuổi). Nhưng bù lại, thầy đã nổi tiếng và trở thành một tấm gương sáng về mặt học thuật của giới văn chương.
Sự nghiêm túc, sáng tạo trong nghiên cứu
Không phải ngẫu nhiên mà năm 1995, khi thầy về với cõi vĩnh hằng thì tập thể 20 giáo sư, tiến sĩ từng công tác ở Trường Đại học Vinh, sau chuyển ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I đã kính viếng ông, trong sổ tang viết 7 chữ "Nhà nghiên cứu văn học sâu sắc". Những nghiên cứu của ông về văn chương bao giờ cũng có tính phát hiện, sáng tạo. Đến giờ cuốn "Về tính hệ thống trong văn học", “Văn học Pháp thế kỷ XVII”, "Văn học cổ điển Pháp và Văn học Pháp thế kỷ XIX” vẫn được giới nghiên cứu văn học cả nước kính nể về lô-gích trong biên soạn.
Hình ảnh Đồ Chiểu trong văn học đã bao người biết đến nhưng nghiên cứu của ông trong bài "Nghệ thuật trong thơ văn Đồ Chiểu" đã được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc và đích thân viết thư ngợi khen. Hình ảnh Tú Xương trong bài “Thương vợ” qua lời giảng của thầy làm cho các sinh viên khoa Văn thời bấy giờ không thể nào quên. Đó là một người đàn bà Bắc bộ mặc váy xòe rộng, trên vai là chiếc đòn gánh cong trĩu nặng.Một bên là chiếc thúng và cái gióng ba tao ngồi bên trong là ông Tú Xương áo the khăn đóng, một bên khác là 5 cái đầu lố nhố của lũ con thơ dại.
Khi đã được thầy truyền cảm xúc, những thầy, cô giáo dạy văn tương lại theo mạch nguồn ấy tự mình cảm nhận tác phẩm. Một phương pháp sư phạm đầy tính khoa học mà phải có những người đã từng đứng lớp đi dạy, rồi theo học tiếp bậc đại học mới có thể làm được. Ông không ngại phê phán và bất hợp tác với bất cứ ai “ăn theo”, “nói leo” và không có chính kiến, lười sáng tạo.

Kiều Loan (minh họa kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm)

Người thầy tài hoa
 Nói đến Nguyễn Trung Hiếu là người ta nhớ đến một tri thức tài hoa, uyên bác, có những cá tính rất khác lạ, mà không phải ai cũng dễ cảm thông. Dù cuộc sống của các giáo viên Đại học sư phạm Vinh thời ấy hết sức kham khổ, nhưng thầy đã quên đi “cơm, gạo, áo tiền” để đắm mình vào những con chữ và những tấm tranh do chính ông sáng tác. Trong các quyển hồi ức của các thầy GS Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử,  khi nhớ về những năm tháng công tác ở Đại học Sư phạm Vinh luôn dành cho ông những trang sách được nhắc đến với một sự nể trọng.
Bạn văn chương của ông có nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, nhà giáo Trần Quốc Nghệ, họa sĩ Đào Phương, nhà thơ Thạch Quỳ... Toàn là người có tài, có cá tính, thích tìm tòi, đột phá trong suy nghĩ và sáng tạo. 
Thầy Đặng Lưu, vốn một học trò cũ nhớ lại: “Những quan điểm của thầy về sự có mặt bài Tùng của Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa phổ thông, về thơ văn Đồ Chiều, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, về Truyện Kiều... đều có tính "gây sự", nhằm phá bỏ lối mòn, đập vỡ sự ổn định trong cách định vị các giá trị”
“Trong nghiên cứu, thầy đặc biệt thích kiểu tư duy đột phá và khả năng mô hình hóa đối tượng bằng cái nhìn hệ thống. Trước một hiện tượng văn học, với thầy, điều quan trọng nhất là phải có tư tưởng, từ đó có cách tiếp cận mới, chứ không phải là ở khả năng diễn giải theo cảm nhận chủ quan. Phải đi vào cái lõi của vấn đề thay vì nệ sự đủ đầy, tròn trịa. Từ cái lõi đó, mọi yếu tố sẽ được quy chiếu về một hệ giá trị mới được xác lập để có cách đánh giá khác biệt”.
 Một người thầy đạo cao, đức trọng của trường Đại học Vinh. Ảnh gia đình cung cấp.

Người con của đất Diễn Châu ấy còn có thú vui chụp ảnh và vẽ tranh. Ông vốn mê chụp ảnh, tự tráng phim và in ảnh. Ông luôn say sưa chụp, thể nghiệm nhiều ý tưởng bố cục độc đáo, “chơi” nhiều kiểu ngược sáng lạ, tỉ mỉ chọn góc, xoay trở đủ chiều.
Nhà báo Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh Tế và Đô thị chia sẻ: “Ông tôi là người mê văn chương và hội họa. Ông mày mò theo học và nắm khá vững về hình họa, về xử lý sáng - tối, viễn cận, còn dùng màu thì rất phóng túng. Vẻ đẹp phụ nữ là một nguồn hứng khởi bất tận ở hầu hết tác phẩm của ông”.
Bà con quê tôi ai nấy đều trầm trồ về tập tranh Kiều do ông vẽ. Hình ảnh phụ nữ chèo thuyền, đạp xe, gánh nước, cầm hoa, đánh đàn, múa quạt... và tập trung nhất ở Kiều với nhiều tư thế khác nhau. Dù vẽ gần, đặc tả hay chỉ vài nét sơ thoáng vẽ nhân vật ở xa, thân hình người nữ vẫn hết sức duyên dáng, gợi cảm. Một số bức minh họa Kiều theo lối tả thực, đã đạt đến trình độ nghệ thuật nhất định”.
TS. Nguyễn Ngọc Hiền- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: “Đây là lần đầu tiên nhà trưởng tổ chức một buổi tọa đàm khoa học và xuất bản cuốn sách “Về tính hệ thống và đặc trưng của văn học, nghệ thuật” tập hợp các tác phẩm do thầy viết và viết về thầy. Thầy Hiếu xứng đáng được tôn vinh như thế…”
Cả cuộc đời nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Trung Hiếu, ông luôn ý thức “phận làm Người” trong cả đời sống lẫn học thuật đầy trách nhiệm. Những năm tháng lao động miệt mài ấy đã tạo nên một Nguyễn Trung Hiếu vừa nghiêm cẩn, trách nhiệm, kiểu nhà nho chính đạo; vừa buông bỏ, bất cẩn kiểu nhà nho ẩn dật; vừa có cái phóng túng, ngang tàng kiểu nhà nho tài tử.