Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấy rõ trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tranh luận để làm rõ vấn đề, đó là tinh thần thể hiện rõ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Với tính chất “kiểm điểm” trách nhiệm thực hiện lời hứa trong nhiệm kỳ, nên tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn; vấn đề đại biểu đặt ra cũng không “bó” hẹp trong một lĩnh vực nào. Qua đó, mong muốn cộng hưởng trách nhiệm trong việc chung tay giải quyết những nội dung đã từng được Quốc hội giám sát hay chất vấn và cả vấn đề phát sinh, bức xúc của thực tiễn cuộc sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn sáng 6/11.
Cùng với những câu hỏi còn có cả những góp ý, gợi mở để các tư lệnh ngành thấy rõ hơn mong muốn của cử tri. Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có những nội dung có thể thực hiện được ngay, nhưng có những nội dung phải có thời gian, lộ trình mới có kết quả. Nhưng qua “cuộc tổng rà soát của Quốc hội” này đã khẳng định rằng Quốc hội không quên, không bỏ sót những gì đã đặt ra đối với Chính phủ, với các bộ, ngành. Bởi vậy, việc đại biểu (ĐB) truy trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng cũng là điều đương nhiên và qua chất vấn Bộ trưởng cũng phải thấy được trách nhiệm của mình trước vấn đề ĐB đặt ra.

Kiểm lại kết quả cho thấy, một số ngành, bằng quyết tâm đã tập trung giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đặt ra. Không dừng ở lời hứa, hay cam kết trên nghị trường, mà đã có chuyển động từ thực tế. Nhiều vấn đề được ĐB đánh giá, ghi nhận cao như trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, công tác phát triển mạng 5G với chất lượng tốt… Hay trong lĩnh vực thi đua khen thưởng đối với tập thể có tổ chức Đảng và đoàn thể, trong đó quy định: "Tổ chức Đảng và đoàn thể phải được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Trước câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng cho biết, khi phát hiện vấn đề này trong hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng đã chỉ đạo sửa đổi và trước phiên chất vấn, Bộ đã ký thông tư sửa đổi, bổ sung, trong đó bỏ điều này và có hiệu lực ngay”… Những người đứng đầu các bộ, ngành cũng nhận trách nhiệm trước những công việc còn chậm, hạn chế, thể hiện một tinh thần cầu thị.

Nhưng nhìn từ phiên chất vấn có thể thấy rằng vẫn còn quá nhiều vấn đề nóng của thực tiễn cuộc sống mà cử tri chưa yên tâm. Đặc biệt, ĐB muốn các "tư lệnh" ngành tập trung quan tâm, chỉ đạo sâu sắc hơn như trong công tác phòng, chống bão lũ, trồng rừng, giữ rừng, an ninh trật tự, an ninh mạng, giáo dục đào tạo... Đặc biệt là vấn đề thực chất nguyên nhân của lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung là gì, do thiên tai hay nhân tai? Đây là nội dung được tranh luận nhiều trong ba ngày thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, vẫn tiếp tục được đặt ra tại phiên chất vấn với tầm bao quát toàn diện hơn, đi vào gốc rễ và đến cùng vấn đề. Trên tinh thần thẳng thắn, 5 nguyên nhân chủ quan từ phía… con người đã được liệt kê ra, trong đó có cả việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất…

Phiên chất vấn về việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ này sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới, chắc chắn sẽ còn rất nhiều nội dung được đặt ra. Nhiều cử tri hy vọng rằng, phiên chất vấn có tính kiểm điểm một nhiệm kỳ này sau khi diễn ra sẽ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp trước quá nhiều vấn đề còn băn khoăn, nhiều lời hứa còn cần “thời gian” để giải quyết. Sẽ không chỉ dừng ở “ ghi nhận”, “tiếp thu” và “rút kinh nghiệm” mà phải bàn cho ra cơ chế, giải pháp, chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm vấn đề.