Thầy thuốc giàu lòng trắc ẩn với cộng đồng người nghèo, người khuyết tật

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều năm gắn bó với nghề, thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 1958) - hội viên Hội Đông y quận Ba Đình (TP Hà Nội) luôn lặng thầm làm từ thiện, giúp cộng đồng bằng cái tâm trong sáng, chan chứa tình yêu thương.

Tự nhận mình chỉ là “lão nhà quê”, với tấm lòng nhân ái, giàu lòng trắc ẩn, suốt cuộc đời làm nghề, ông luôn miệt mài làm phúc, chữa bệnh giúp dân, đặc biệt với người dân vùng khó khăn cũng như cộng đồng người khiếm thị.

Hạnh phúc nhất là chữa khỏi bệnh cho người dân và làm từ thiện

Với tâm niệm chữa bệnh không phân biệt giàu, nghèo, miễn là chữa giúp dân, suốt bao năm qua, ông Hùng được nhiều người biết đến không chỉ bởi bàn tay tài hoa chữa bệnh, mà còn từ tấm lòng “lương y như từ mẫu” với cộng đồng người khiếm thị.

Bởi bấy lâu nay, luôn đau đáu, thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả của những số phận không may mắn, người yếu thế trong xã hội nên ông quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu, say mê với nghề, chữa bệnh cứu người. Với ông, niềm hạnh phúc nhất là chữa khỏi cho bệnh nhân và làm từ thiện, giúp đỡ được nhiều những mảnh đời khó khăn, thiệt thòi.

Thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng.
Thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng.

Ông Hùng bén duyên với công tác từ thiện từ năm 1991, đến nay, hành trình thiện nguyện, trao đi và lan tỏa lòng nhân ái, giá trị tốt đẹp trong cộng đồng vẫn liên tục được nhân lên. Ông gây quỹ từ thiện, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam. Ông thường đến các bản ở vùng sâu, vùng xa vừa chữa bệnh, vừa giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe. Cũng từ đó mà ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu ra những bài thuốc hay kết hợp điều trị giữa Đông và Tây y.

Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, “Quỹ Lão nhà quê và các bạn” do ông sáng lập đã hỗ trợ cho đông đảo người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, mẹ bầu bị bỏ rơi, các em nhỏ mồ côi, bệnh nhân nghèo…

"Do đại dịch nên nhiều người không có tiền sinh hoạt, duy trì cuộc sống, gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vậy, Quỹ từ thiện "Lão nhà quê và các bạn" mong muốn góp một phần hỗ trợ giúp họ bớt khốn khó" - ông Hùng chia sẻ.

Thật khâm phục bởi những năm qua, ông Hùng không chỉ mang những phần quà ý nghĩa đến với đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, những cô nhi viện, nhà chùa, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi nuôi các bé mồ côi, thiệt thòi… mà ông còn nỗ lực trao truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chữa bệnh về massage trị liệu cho người khiếm thị qua những chuyến đi vào Cà Mau hay bất kể nơi đâu trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Dạy người khiếm thị chữa bệnh

Chia sẻ về chương trình tập huấn miễn phí, ông Hùng cho hay: “Chúng tôi chia thành 3 lớp, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Do học viên hầu hết là người khiếm thị nên việc giảng dạy phải thực hiện theo phương pháp “một kèm một”. Lường trước điều đó, tôi đã huy động sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện viên là các học viên năm cuối ngành điều dưỡng ở một trường trung cấp tại địa phương”.

Với phương pháp khoa học, chẳng mấy, các tình nguyện viên và học viên khiếm thị đã nắm được những phương pháp cơ bản về massage trị liệu. Thật đáng nể trong số đó có học viên năm nay đã 84 tuổi và một trường hợp khác mới chỉ 12 tuổi, đều bị khiếm thị do mắc bệnh tăng nhãn áp khi vừa trưởng thành.

Một trong số học viên cao tuổi có ông Bùi Tuyên Dương (82 tuổi, sinh ra ở Hà Đông, Hà Nội, hiện sống tại Cà Mau), là hội viên Hội Người mù tỉnh Cà Mau chia sẻ, sau thời gian học kiến thức, kỹ năng chữa bệnh xương khớp từ những bài thuốc dân gian, cổ truyền của “lão nhà quê”, nay ông đã thuần thục nhiều động tác cơ bản về massage trị liệu cho người khác. Ông mong muốn có cơ hội học hỏi, nâng cao thêm tay nghề để có thể tự lao động, bớt đi phần nào gánh nặng cho gia đình.

Tình nguyện viên lớp đào tạo của ông Hùng dạy người khiếm thị chữa bệnh.
Tình nguyện viên lớp đào tạo của ông Hùng dạy người khiếm thị chữa bệnh.

Sau chương trình, nhiều hội viên đã cơ bản nắm được kỹ thuật, kỹ năng massage trị liệu. Một số cá nhân đã đạt kết quả tốt trong thực hành đối với chính bạn bè, người thân trong gia đình. Nhiều hội viên mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành từ thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng để phần nào có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Đánh giá về chương trình nhân văn của thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội Lê Trung Quyết cho rằng, các lớp tập huấn trong khuôn khổ phối hợp giữa Hội và lương y Nguyễn Trọng Hùng trên địa bàn Thủ đô đã trở thành hoạt động thường xuyên trong nhiều năm trở lại đây, mang lại những giá trị thực tiễn và sâu sắc đối với nhiều người khuyết tật.

Thực tế, với những người dân vùng khó khăn, các cơ sở y tế có chuyên môn ở cách xa nhà, thì việc khám hoặc tìm phương thuốc chữa bệnh liên quan đến massage trị liệu đôi khi là điều không đơn giản. Trong khi đó, các bài thuốc của “Lão nhà quê” lại có thể tìm thấy một cách dễ dàng ngay sau vườn hoặc mua ở chợ gần nhà.

Các bài thuốc “chân quê” mà ông Hùng sưu tầm được cứ lặng lẽ, âm thầm, theo thời gian, giúp ích được cho bao người, không vụ lợi. Cả cuộc đời miệt mài các bài thuốc chữa bệnh cứu người, đến nay, ông đã nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm được gần 100 bài thuốc dân gian chữa bệnh, phổ biến cho người dân hoàn toàn miễn phí, ông trở thành Thầy thuốc của Nhân dân, của những người nghèo.

Mặc dù đã bước qua tuổi 60 nhưng Thầy thuốc Nguyễn Trọng Hùng vẫn ngày đêm miệt mài làm phúc, chữa bệnh cho người dân. Với ông niềm vui và hạnh phúc là khi nhìn thấy mọi người khỏi bệnh và khỏe mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần