Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi làn sóng mới của dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Hà Nội, những chiến sĩ áo trắng của Thủ đô vẫn đang ngày đêm chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều lắm những gian truân, hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến này, nhưng những cán bộ y tế cơ sở vẫn luôn hết mình vì công việc.

Anh Ngô Hùng Sơn - nhân viên Khoa Kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân.
Từng ngày trôi qua, công việc thầm lặng của anh Ngô Hùng Sơn (sinh năm 1983) - nhân viên Khoa Kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng cũng như các y bác sĩ khác không có gì thay đổi, vẫn là áp lực đan xen lẫn khó khăn, vất vả. Gần 7 năm cống hiến trong ngành Y tế, với anh, những ngày tháng “chống giặc Covid-19”.
Từ khi dịch ở TP Hồ Chí Minh bùng phát là những nhân viên y tế dự phòng như anh lại bắt đầu chuỗi ngày điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho những người về từ vùng dịch. Cho đến thời điểm này, anh cũng không nhớ nổi đã lấy bao nhiêu mẫu xét nghiệm tại những địa điểm như khu cách ly (các khách sạn được phép đón chuyên gia), lấy mẫu tập trung tầm soát loại trừ người đi đến, đi về từ các vùng có ca bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
“Triền miên lấy mẫu xét nghiệm suốt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhưng khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thực sự chúng tôi không khỏi lo lắng vì biến chủng mới lây lan với tốc độ nhanh. Đợt đại dịch này đòi hỏi công việc triển khai ở cộng đồng khá gấp rút, trong khi lực lượng cán bộ y tế lại mỏng, cán bộ y tế có chuyên môn sâu để vào gặp trực tiếp các ca bệnh dương tính, ca F1, điều tra, lấy các thông tin dịch tễ còn ít.
Đặc biệt, điều tra một ca dương tính, hỏi tiền sử dịch tễ của ca bệnh khá khó. Bởi nhiều người không nhớ được hết các chi tiết, đòi hỏi cán bộ y tế phải có kỹ năng khai thác. Khi có dịch ở trong cộng đồng, lực lượng y tế lấy mẫu tập trung với số lượng rất nhiều. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay trên địa bàn quận Hai Bà Trưng ghi nhận 317 ca mắc Covid-19” - anh Sơn giãi bày.
Không chỉ là người trực tiếp điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2, F3, anh Sơn còn trực chiến 24/24 giờ. Khi nhận thông tin có ca F0, anh cùng đồng nghiệp lại nhanh chóng lên đường truy vết. Công việc vất vả và áp lực lớn buộc các nhân viên y tế phải nỗ lực gấp nhiều lần công việc bình thường. Công tác truy vết F1 nhọc nhằn vì F0 đi đến nhiều địa điểm không rõ ràng... Đó là chưa kể nhiều đối tượng còn khai báo không trung thực khiến việc truy vết của các nhân viên y tế càng thêm khó khăn. Nhưng không vì thế mà anh buông lơi công việc. Nhờ kiên trì, làm tốt công tác tuyên truyền, cũng như diễn biến dịch bệnh nên người dân nơi đây như đã hiểu hơn, không còn tâm lý lo sợ.
Trải lòng về công việc của mình, anh Sơn chia sẻ, ngày thường đã cực, truy vết lấy mẫu vất vả gấp bội lần, vội vã đến từng hộ gia đình khai thác thông tin, lần theo lịch trình của trường hợp dương tính… Mặc bộ đồ bảo hộ với 2 lớp kính lấy mẫu, hơi thở và mồ hôi mờ cay xè đôi mắt. Cả ngày chỉ có nửa tiếng lúc trưa nghỉ để ăn cơm, thậm chí có những hôm phải xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm để nhanh chóng khoanh vùng dịch hiệu quả.
Dành nhiều thời gian cho công việc nhưng may mắn là anh Sơn có vợ và gia đình là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Thế nên, lòng thầm tự nhủ dù phải đối mặt với cuộc sống bộn bề, công việc vây quanh hay những hiểm nguy dịch bệnh luôn rình rập nhưng anh quyết không chùn bước, quyết cùng đồng nghiệp chiến đấu với giặc Covid-19.
Hà Nội những đêm về Thu, dưới ánh đèn đường, thấp thoáng xuất hiện hình ảnh chiến sĩ áo trắng với tấm lưng áo blouse đẫm mồ hôi, lỉnh kỉnh trên tay những thùng đựng mẫu xét nghiệm. Mặc mồ hôi ướt đẫm, họ vẫn cứ mải miết, xuyên đêm, lặng thầm theo công việc…