Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Tàu chiến Nga phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận lớn nhất lịch sử

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga khởi động cuộc tập trận Vostok 2018 và EU thông qua luật buộc Google, Facebook phải trả phí là 2 sự kiện nổi bật trong tuần.

Tàu chiến Nga phô diễn sức mạnh trong tập trận Vostok 2018
Nga đã triển khai 2 hạm đội hải quân tham gia cuộc tập trận Vostok 2018, cuộc tập trận lớn nhất lịch sử Nga cận đại. Theo hình ảnh Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 14/9, một số lượng lớn tàu chiến vừa mới tập trận ở biển Bering ngăn cách Nga và bang Alaska của Mỹ.
Có tổng cộng 20 tàu chiến Nga tham gia tập trận Vostok 2018. Một đoạn video Bộ Quốc phòng Nga công bố quay cảnh tàu khu trục Phó Đô đốc Kulakov và tàu đổ bộ Alexander Obrakovsky của hạm đội hải quân phía Bắc đã tham gia diễn tập nội dung một chiến dịch cứu hộ ở biển Bering.
 Tàu chiến mang theo tên lửa hành trình Varyag của Nga tham gia cuộc tập trận Vostok 2018. Ảnh: Tass

Một đoạn video khác được quay ở vùng Zabaikalsk ở Siberia cho thấy hàng chục lính nhảy dù nhảy ra từ một máy bay, một số khác xuống khỏi các trực thăng bằng dây thừng.
Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố các đoạn video phóng tên lửa từ các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 và hệ thống tên lửa tầm trung Buk.
Cuộc tập trận Vostok 2018 kéo dài từ ngày 11-17/9, diễn ra tại vùng Siberia và các vùng biển phía đông Nga, với sự tham gia của 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay quân sự và 2 hạm đội hải quân.
Tham gia cuộc tập trận lần này còn có quân đội Trung Quốc với 3.200 binh sĩ, 900 xe tăng và xe bọc thép, 24 trực thăng, 6 máy bay.
Nga và Trung Quốc từng nhiều lần tập trận chung nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc được Nga mời tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn thế này. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thị sát cuộc tập trận trong ngày 13/9 tại thao trường Tsugol ở vùng Zabaikalsky.
Phát biểu trước các binh sĩ, Tổng thống Putin cam kết sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh quân đội Nga, sẽ trang bị thêm các thế hệ vũ khí và khí tài quân sự mới.
Theo Tổng thống Putin, Nga sẵn sàng hợp tác với các nước có thiện chí với Moscow nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước và đồng minh.
Ông Trump vẫn quyết đánh thuế thêm với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các trợ lý chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch đánh thuế mới lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bất chấp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nỗ lực tái khởi động đàm phán với Bắc Kinh.
Hiện vẫn còn chưa rõ thời điểm nào thì gói thuế mới áp lên hàng hóa Trung Quốc nói trên được Mỹ chính thức thực thi.
 Tổng thống Mỹ Trump đã chỉ đạo các trợ lý chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch đánh thuế mới lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters 
Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14/9, trong khi đồng nhân dân tệ Trung Quốc trên thị trường quốc tế suy yếu và đồng USD tăng giá.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế quan bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong tuần trước, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế thêm với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức là đánh thuế gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trump nói khoản thuế này "đã sẵn sàng để áp dụng trong ngắn hạn", nhưng chính quyền vẫn chưa công bố để lấy ý kiến công chúng.
Nếu lời đe dọa này thành hiện thực, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm đều bị chính quyền ông Trump áp thuế.
Kế hoạch áp thuế này gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ túi xách, xe đạp cho tới đồ nội thất nên dễ vấp phải sự phản đối của người tiêu dùng Mỹ. Việc thu thập ý kiến công chúng về danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD chịu thuế đã kết thúc cuối tuần trước.
Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh xoay quanh khoản thâm hụt thương mại 375 tỷ USD mà Mỹ có với Trung Quốc, cũng như các chính sách thương mại và công nghiệp của Mỹ.
Trong một tuyên bố ngày 14/9, Nhà Trắng cho biết ông Trump đã khẳng định rõ ràng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục có hành động nhằm buộc Trung Quốc điều chỉnh hành vi thương mại và khuyến khích Bắc Kinh giải quyết các mối lo ngại của Mỹ.
Tính từ tháng 7/2018 tới nay, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và điều này cũng buộc Trung Quốc phải đáp trả lại bằng hàng rào thuế quan có quy mô tương tự.
Quyết định này được đưa ra bất chấp hồi đầu tuần Bộ Tài chính Mỹ đã gửi thư mời nối lại đàm phán đến các quan chức Trung Quốc, bao gồm Phó thủ tướng Lưu Hạc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh lời mời, nhưng sau đó Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông "không cảm thấy có bất kỳ áp lực nào" trong việc đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh, đồng thời Mỹ “sẽ sớm nhận được hàng tỷ USD từ gói thuế quan và sản xuất hàng hóa tại thị trường nội địa. Và nếu chúng tôi có thể gặp nhau thì chúng tôi sẽ đàm phán”.
EU bỏ phiếu thông qua luật yêu cầu Google, Facebook trả phí
Các nghị sĩ châu Âu vừa thông qua gói cải cách nhằm buộc Google, Facebook và các công ty công nghệ khác phải chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất âm nhạc, video và tin tức ở châu Âu.
Với 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng, các nghị sĩ châu Âu hôm 12/9 nhất trí thông qua gói cải cách nhằm buộc các hãng Internet lớn phải chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất âm nhạc, video và tin tức ở châu Âu.
 Nghị viện châu Âu thông qua luật yêu cầu Facebook, Google trả phí. Ảnh: Reuters
Theo luật mới, các hãng tin tức và thu âm ở châu Âu được yêu cầu các tập đoàn công nghệ khổng lồ gồm Google, Facebook trả phí cho việc sử dụng nội dung.
Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) và 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thu hẹp những bất đồng và thống nhất quan điểm trước khi cập nhật đạo luật bản quyền hiện hành.
Đánh giá về quyết định này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng kết quả bỏ phiếu là "tiến bộ lớn cho châu Âu".
Trong khi đó, Giám đốc kỹ thuật số của EC Andrus Ansip cho rằng luật mới gửi tín hiệu cải cách mạnh mẽ và tích cực nhằm bảo vệ các nhà nghiên cứu, nhà văn, truyền thông và các tổ chức di sản văn hóa EU. 
Liên đoàn các đạo diễn phim châu Âu (FERA), Liên đoàn các nhà biên kịch châu Âu (FSE) và Hội tác giả nghe nhìn (SAA) cũng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ và các hãng Internet lớn chỉ trích cải cách này.
Tập đoàn Google thể hiện sự thất vọng với kết quả bỏ phiếu của nghị viện châu Âu. "Điều này thật đáng buồn đối với những người sáng tạo, nhà cải cách và các doanh nhân", Giám đốc kinh doanh của Google Philipp Schindler cho biết.
Mozilla, công ty cung cấp trình duyệt web, cho rằng cuộc đấu tranh vẫn chưa dừng lại. "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi cách có thể để đạt được một cải cách hiện đại, giúp bảo vệ môi trường internet và thúc đẩy quyền của người dùng", công ty cho biết.
Nghị sĩ Julia Reda nhận định những thay đổi trong luật mới là "một đòn đánh mạnh mẽ đối với Internet tự do, cởi mở".
Google, Microsoft và một số nền tảng khác có thể bị buộc phải trả phí để hiển thị nội dung, tuy nhiên, Tây Ban Nha, Đức cũng từng áp dụng phương thức này và kết quả hoàn toàn ngược lại khi các nhà xuất bản báo cáo rằng lượng truy cập đến trang webe của họ bị giảm đáng kể.
Luật mới cũng yêu cầu các nền tảng trực tuyến như YouTube và Instagram cài đặt bộ lọc để ngăn người dùng đăng tải những nội dung có bản quyền. Các nhà phê bình cho rằng động thái này có thể dẫn đến kiểm duyệt.
Trước đó, EC đã khởi động việc thảo luận gói cải cách bản quyền từ năm 2016 nhằm đảm bảo các nền tảng trực tuyến phải chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản, các hãng phát thanh truyền hình và các nghệ sĩ một cách công bằng.
Malaysia chính thức hủy các dự án trị giá 3 tỷ USD với Trung Quốc
Theo một quan chức Bộ Tài chính Malaysia, nước này đã chính thức hủy bỏ 3 dự án đường ống dẫn khí đốt và dầu do Trung Quốc tài trợ sau khi tạm dừng triển khai.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Malaysia xác nhận rằng Kuala Lumpur đã hủy 3 dự án đường ống dẫn khí đốt và dầu được Trung Quốc tài trợ vốn được ký dưới thời cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
 Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng. Ảnh: Reuters
Trước đó, Financial Times trích dẫn Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết ông đã gửi một lá thư đến "các bên liên quan" ở Bắc Kinh để hủy bỏ 3 dự án ống dẫn nói trên.
Ba dự án nêu trên bao gồm 2 đường ống dẫn khí đốt và dầu với chi phí mỗi dự án 1 tỷ USD và một tuyến ống dẫn trị giá 795 triệu USD để kết nối bang Malacca với một nhà máy lọc hóa dầu ở bang Johor.
Theo tờ Financial Times, Bộ trưởng Lim không công bố chi phí mà Malaysia phải gánh chịu khi hủy bỏ các dự án nói trên, chỉ nói rằng vấn đề này đang được các luật sư giải quyết.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã xem xét lại các dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak - người đang đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến bê bối tham nhũng quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Bộ trưởng Lim cũng phát biểu trên tờ Financial Times rằng Malaysia đang xem xét dự án đường sắt East Coast Rail Link được Trung Quốc tài trợ. Dự án này đang được xây dựng bởi Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc.
Trong tuần trước, Malaysia và Singapore đã đồng ý hoãn một dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore trị giá hàng tỷ USD cho đến cuối tháng 5/2020.