Quan chức tài chính hàng đầu của các nước đã nhóm họp tại Washington trong tuần qua để thảo luận bài toán chi phí ngày càng tăng do hệ quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như những thách thức nhằm giúp Ukraine tái thiết, cả trong giai đoạn trước mắt và tương lai.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Tại Diễn đàn Mùa Xuân do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng tổ chức vào thứ năm tuần trước, Thủ tướng Ukraine cho biết nước này cần khoảng 5 tỷ đô la mỗi tháng để duy trì hoạt động trong vòng 5 tháng, cùng với đó là khoảng 600 tỷ đô la để hỗ trợ hoạt động tái thiết.
Cả hai thể chế kinh tế và một số chính phủ đã đưa ra cam kết hỗ trợ, nhưng trong cả những nhận định bên lề hay phát biểu trước báo chí, nhiều quan chức thừa nhận còn nhiều khó khăn để có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính mà Kiev mong muốn.
“Bạn có thể sẽ chứng kiến một nỗ lực huy động tài chính lớn trong cộng đồng quốc tế," Odile Renaud-Basso, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) nhận định. “Tất cả đang nghĩ đến một nỗ lực tương tự như Kế hoạch Marshall cho Ukraine, tương tự như những gì đã xảy ra sau chiến tranh thế giới thứ 2," bà nói, khi đề cập đến chương trình tái thiết do Mỹ khởi xướng vào năm 1948 để tái thiết nền kinh tế châu Âu thông qua các khoản hỗ trợ, đầu tư từ nguồn chính thống cũng như tư nhân.
Nhưng vào lúc này, nhu cầu này đến ở một giai đoạn thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại, bao gồm lạm phát tăng cao và tốc độ tăng trưởng giảm. Nhiều nước đang phát triển – đối mặt với giá cả hàng hoá tăng cao, gánh nặng nợ công từ lãi suất tăng và hệ quả của đại dịch – cho rằng họ vẫn cần sự hỗ trợ từ các nước phát triển và những tổ chức như IMF hay World Bank.
“Vấn đề lớn mà tất cả phải đối mặt là các chính phủ phải đưa ra đối sách ra sao khi các cuộc khủng hoảng liên tiếp xuất hiện và chúng ta còn chưa thể thoát ra từ cái đầu tiên," Gita Gopinath, kinh tế trưởng cao cấp của IMF nhận định.
Tại cuộc họp mùa xuân, chủ đề được các nước ưu tiên thảo luận là các hỗ trợ phi quân sự cho Ukraine, cũng như giải pháp giảm áp lực trả nợ cho các nước đang phát triển.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tài chính của Ukraine được chia làm hai hạng mục: ngắn và dài hạn.
Hiện nước này cần khoảng 5 tỷ đô la mỗi tháng để duy trì hoạt động cơ bản của chính phủ trong vòng hai đến ba tháng tới, theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, khi đề cập đến sự sụt giảm về nguồn thu ngân sách của Kiev và chi phí tăng cao do hệ quả từ cuộc xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong đoạn video được phát tại hội nghị rằng “quân đội Nga đã phá huỷ mọi cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hoạt động kinh tế, bao gồm đường sắt, các kho trữ thực phẩm, hay nhà máy lọc dầu”.
Trong khi thủ tướng nước này, ông Shmyhal cho rằng sẽ cần 600 tỷ đô la để tái thiết, xây dựng và phục hồi nền kinh tế. Ông cho biết đã kêu gọi một số nước cung cấp 10% từ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) chưa sử dụng của họ - nguồn tài sản dự trữ có lãi suất của IMF – nhằm giúp Ukraine sau khi tổ chức này vào năm ngoái đã phân bổ 650 tỷ đô la nhằm hỗ trợ tăng thảnh khoản cho nền kinh tế thế giới.
Mặt khác, World Bank ước tính con số thiệt hại vật chất mà Ukraine đang phải đối mặt là khoảng 60 tỷ đô la.
Chủ tịch World Bank David Malpass cho rằng quá trình tái thiết cần được bắt đầu với ưu tiên phục hồi những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho giao thông, điện, sưởi ấm và kết nối số trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng khi cuộc chiến kết thúc.
Các nỗ lực nhằm phục hồi các thành phố, các ngành kinh tế và doanh nghiệp sẽ tiếp nối sau đó, ông nói.
“Trong thời điểm xung đột vẫn diễn ra, chúng ta sẽ ưu tiên hỗ trợ cho hệ thống tài chính, tiền tệ và tài khoá của Ukraine”, ông Malpass cho biết thêm.
Cải cách là điều kiện tiên quyết
Các quan chức từ những thể chế đa phương cho biết họ hi vọng sẽ có thể hỗ trợ cho nhu cầu tài chính trong ngắn hạn của Ukraine với các khoản viện trợ từ các nước, thay vì các khoản vay sẽ đòi hỏi hoàn trả trong tương lai.
IMF dự báo trong tuần này quy mô nền kinh tế Ukraine đã giảm khoảng 35% trong năm nay. Ông Shmyhal cho biết 60% doanh nghiệp của nước này đã dừng hoạt động hoàn toàn hoặc một phần từ tháng ba, bao gồm các cơ sở sản xuất sắt và thép ở Mariupol, nơi tâm điểm giao tranh giữa Ukraine và Nga hiện nay.
Tuy nhiên, việc đưa ra một gói tổng thể hỗ trợ tái thiết sẽ phức tạp hơn. Để thuyết phục các nước hỗ trợ các nguồn tài chính lớn, Ukraine cần đưa ra cam kết để cải tổ nền kinh tế trong khi có thể đưa ra những kế hoạch nhằm tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế về lâu dài, bao gồm cả về vấn đề môi trường, bà Renaud-Basso từ EBRD cho biết.
“Trước khi cuộc xung đột diễn ra, Ukraine đã phải đứng trước sức ép lớn cần cải cách hoạt động chính phủ, giải quyết vấn đề tham nhũng và hệ thống tư pháp”, bà nói. “Những thách thức này vẫn tồn tại, và chúng cần phải được tiếp tục trong quá trình tái thiết về sau như điều kiện để được cộng đồng quốc tế hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng nguồn đầu tư tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng. Vào tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo và Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko đã có cuộc thảo luận với lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ để tìm giải pháp tái thiết Ukraine, bao gồm Bank of America, Goldman Sachs, Citi Group và Mastercard.
“Tôi tin rằng cách duy nhất để tạo động lực cho chúng tôi mau chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay là những khoản đầu tư quy mô lớn”, ông Marchenko nói, cũng như đề cập đến những vấn đề được quan tâm như giải quyết tham nhũng, cải thiện hệ thống tư pháp và pháp luật nhằm bảo vệ nhà đầu tư.
“Đây là điều cần thiết để có thể tiếp tục thu hút đầu tư vào Ukraine”, ông nói.
Dù việc ước lượng thiệt hại và chi phí cho quá trình tái thiết là không dễ dàng khi cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, nhưng chắc chắn đây sẽ là con số không nhỏ.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Cao uỷ Liên hiệp quốc về Người tị nạn đã được thành lập nhằm giúp đỡ hơn ba triệu người châu Âu phải di tản do chiến tranh. Ngày hôm nay, đã có hơn 4,5 triệu người Ukraine phải dời khỏi đất nước, và gần tám triệu người khác bị mất nhà cửa, bà Georgieva nói trong cuộc họp mùa xuân.
“Tất cả trong số chúng ta, những người hiểu rõ lịch sử của châu Âu, đều cảm thấy lo sợ cho tình hình tại Ukraine, nhưng cũng đồng thời có chung mối lo cho cả châu Âu và thế giới hiện nay trước những bất ổn phía trước”, bà Georgieva cho biết.