Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới vượt mốc 25 triệu ca nhiễm Covid-19, người châu Âu chủ quan

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Worldometers, tính đến sáng ngày 30/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 25.141.268 trường hợp, trong đó có 845.531 người tử vong.

Kiểm dịch tại Ấn Độ.
Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 241.000 ca dương tính mới, và hơn 4.800 ca tử vong.
Nước có số ca nhiễm virus cao nhất trong 24 giờ qua tiếp tục là Ấn Độ, với 78.472 ca - cao kỷ lục ở nước này. Ấn Độ cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày 29/8, với 944 ca.
Dù số ca nhiễm tiếp tục tăng cao nhưng Chính phủ Ấn Độ ngày 29/8 đã công bố tài liệu hướng dẫn mới về nới lỏng các hạn chế giai đoạn 4, trong đó có việc nối lại có kiểm soát dịch vụ tàu điện ngầm từ ngày 7/9. Đây là một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế.
Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới - ghi nhận thêm 39.665 ca nhiễm mới trong 24 giừo qua - nhiều thứ 2 thế giới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên 6.135.900. Số ca tử vong ở Mỹ do Covid-19 đã lên tới 186.792 sau khi gia tăng các trường hợp mới trong tháng 6 và tháng 7, đặc biệt là ở các điểm nóng như California, Florida và Texas.
Brazil, tâm dịch lớn thứ 2 thế giới, đã có tổng cộng trên 3,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 120.400 người đã tử vong. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 32.200 trường hợp mắc mới trong 24 giờ qua.
Biểu tình phản đối lệnh hạn chế Covid-19 ở Berlin. 
Với số ca nhiễm mới đang tăng nhanh trở lại, nhiều quốc gia châu Âu đang siết chặt các quy định phòng chống dịch nhưng cố gắng tránh áp dụng các lệnh phong tỏa như cách đây vài tháng, mặc dù vậy nhiều người dân vẫn không hài lòng với các biện pháp hạn chế mới.
Cảnh sát Đức ngày 29/8 đã chặn một cuộc tuần hành lớn của hàng nghìn người dân ở thủ đô Berlin phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ. Đây là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất ở châu Âu diễn ra trong ngày để chống lại các biện pháp hạn chế và quy định đeo khẩu trang bắt buộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Sự chủ quan của nhiều người dân châu Âu cũng được thể hiện rõ với việc khoảng 1.000 người biểu tình phản đối đeo khẩu trang đã tụ tập ở thành phố Zurich của Thụy Sĩ.
Một cuộc biểu tình có quy mô tương tự cũng diễn ra tại Quảng trường Trafalgar ở thủ dô London (Anh). Tại thủ đô Paris của Pháp, khoảng 300 người tuần hành phản đối quy định của chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng.