“Thế hệ nông dân mới” thời 4.0

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc những người giàu nhất thế giới (và cả Việt Nam) như người sáng lập Microsoft Bill Gates, Chủ tịch Amazon Bezos và người sáng lập nhà mạng Free Mobile của Pháp Xavier Neal, Vingroup, Hòa Phát, FLC và gần nhất là THACO đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp khiến lĩnh vực này phát triển khá nhanh.

Nông dân thế hệ mới
Gần đây, các ông trùm về lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin dường như đang đồng loạt có sự đổi hướng kinh doanh. Họ không còn vùi đầu vào thế giới mạng, mà tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật số, tiếp cận nông nghiệp theo kiểu tư duy mới. Theo tạp chí Land Report của Mỹ, nhà đồng sáng lập Microsoft hiện ở hữu 242.000 héc-ta đất nông nghiệp tại 18 bang. Với tư duy đi trước, các bộ óc vĩ đại của thế giới đều nhận thức được với kiểu chăn nuôi, trồng trọt như hiện nay thế giới sẽ cạn kiệt tài nguyên, làm thay đổi môi trường sống của con người theo chiều hướng xấu đi.

Mới đây tờ New York Post cho biết đế chế nông nghiệp của ông Bill Gates do Công ty Cottonwood Ag Management quản lý. Đây là công ty thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Leading Harvest chuyên giúp đỡ nhà nông trên khắp thế giới thay đổi thói quen canh tác có lợi hơn. Các báo cáo trước đây cho rằng nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi bò lấy thịt, cũng chiếm phần tạo ra lượng khí thải CO2, gây hiệu ứng nhà kính và dẫn đến biến đổi khí hậu.
 Thu hái dược liệu được nuôi trồng theo mô hình sạch của Tập đoàn TH. Ảnh: Nguyễn Trang
Bruce Sherrick, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Leading Harvest, cho biết các trang trại không chỉ là một phần của vấn đề biến đổi khí hậu mà còn có thể trở thành một giải pháp. Giáo sư Sherrick tin rằng Bill Gates sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nếu ông nhận định việc trồng trọt có thể mang lại lợi nhuận và bền vững cho xã hội.

Jack Ma, người sáng lập Alibaba (Trung Quốc) cũng dường như đang đổi hướng, không còn hào hứng kinh doanh sàn thương mại điện tử nữa mà tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp số. Alibaba đã công bố khởi động "Mười hành động lớn của Alibaba vì sự thịnh vượng chung", hứa hẹn đầu tư 15,6 tỷ USD từ nay đến năm 2025 để đẩy mạnh xây dựng công nghiệp hóa nông nghiệp… Gần đây, Jack Ma “vắng bóng trên báo chí” để âm thầm đi Hà Lan, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia châu Âu để khảo sát học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp thời CNTT. Jack Ma tin rằng việc kết hợp công nghệ mới mà ông đang khảo sát với điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo của Alibaba có thể giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp của Trung Quốc.

“Miếng bánh” hấp dẫn

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt được xem là một “miếng bánh” hấp dẫn đối với các ông lớn có tiềm lực tài chính. Đi đầu phải kể đến HAGL chủ động rời bỏ lĩnh vực bất động sản để chuyển sang nông nghiệp (năm 2009), mía đường, cao su, dầu cọ..., sau đó chuyển sang trồng chuối, chanh leo, ớt, nuôi bò. Mặc dù bầu Đức đã gặp rất khó khăn trong làm ăn ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng điều này vẫn không làm chùn bước để Hòa Phát, FLC và gần nhất là THACO... lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập DN mới.

Ngày 8/8/2018, nông nghiệp Việt Nam đã chứng kiến cú bắt tay chuyển giao trị giá lịch sử 1 tỷ USD giữa ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức. Sau khi tiếp quản gia sản nông nghiệp mà bầu Đức đã gây dựng trong gần một thập kỷ, ông Dương khẳng định sẽ đầu tư công nghệ cao đối với lĩnh vực đầy tiềm năng nay. Như vậy, bên cạnh một lực lượng lớn nông dân truyền thống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã xuất hiện một lực lượng “nông dân thế hệ mới” mà 24/7 thời gian “gắn mặt vào smartphone”.

Nông nghiệp không phải sân chơi ngẫu hứng của vài đại gia nhiều tiền, bởi không chỉ bầu Đức mà hàng loạt ông chủ khác đã chủ động hướng về thị trường này. Năm 2015, tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long (vị đại gia đang là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam) cũng đã gây bất ngờ “làng thép Việt” khi bất ngờ thông báo sẽ đổ một số vốn lớn để nhảy vào mảng nông nghiệp. Bầu Long đã mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, nuôi gà lấy trứng, nuôi bò...

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương cho biết: “Thị trường dược liệu trên thế giới ước đạt giá trị 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8 - 10%. Tập đoàn TH đã và đang khai thác triển khai dự án trồng dược liệu và thảo dược trên toàn quốc với diện tích trên 15.000ha. Với định hướng chiến lược và tầm nhìn sâu rộng, TH sẽ góp phần tạo dựng lưu giữ hệ sinh thái rừng và làm kinh tế dưới tán rừng theo 2 phương thức: Thu hái thảo dược hữu cơ tự nhiên và trồng các thảo dược theo hướng hữu cơ dưới tán rừng, làm kinh tế rừng... TH hướng tới lập bản đồ dược liệu ở vùng Tây Bắc (Sơn La, Hà Giang, Lai Châu) và Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng)”.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Lương nông thế giới (FAO), tiêu thụ phân bón và phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn tăng qua từng năm. Ông Lê Hồng Quang, một người từ châu Âu trở về Việt Nam cùng các nhà máy áp dụng công nghệ Nano để sản xuất phân bón, thức ăn gia súc cho biết: “Tôi và khá nhiều nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài quan tâm đến chăn nuôi, trồng trọt nông nghiệp. Chúng tôi đều bắt nguồn từ niềm mong muốn đưa giải pháp khoa học để đối phó với vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như giúp đỡ các tỉnh nghèo hơn, nơi người dân vẫn còn thiếu lương thực bằng các giải pháp tạo sự đột biến tăng trưởng nông nghiệp”.

Mục tiêu là tăng giá trị

Trong đại dịch, ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Đây là cơ hội để chúng ta rà soát, đánh giá lại nền kinh tế và DN dựa trên sự lan tỏa, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và DN. Đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại tọa đàm về nông nghiệp do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/10 mới đây: Quy mô của các DN nông nghiệp có thể không bằng các DN công nghiệp, nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội, chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP.

Ngoài việc xuất hiện của “nông dân thế hệ mới” tay cầm smartphone, vai đeo laptop cấu hình mạnh thì rất cần mô hình các công ty Uber, Grab trong nông nghiệp bên cạnh các HTX truyền thống như hiện nay. Không sở hữu ruộng đất (như Uber, Grab không sở hữu ô tô, xe máy) nhưng các DN này sẽ liên kết giúp nông dân Việt chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp số của Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.

“Uber, Grab nông nghiệp” không phải xóa đi vai trò cá thể của người nông dân mà tích hợp họ thành chuỗi, hỗ trợ người nông dân Việt từ khâu giống (cây trồng, vật nuôi), phân bón, thức ăn đến khâu xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Với một lực lượng người từ các khu công nghiệp trở về làng quê và không có ý định trở lại các đô thị sau đại dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam tới đây có nguồn nhân lực chất lượng cao để kết hợp phát triển cả quy mô lớn với quy mô nhỏ.

Khi thế giới bị đại dịch tràn qua, ngành nông nghiệp vẫn có thể linh hoạt và năng động chăn nuôi, trồng trọt trên từng mảnh vườn, cái ao…, người nông dân vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà các tỷ phú trên thế giới đều có cái nhìn chung về sự phát triển nền nông nghiệp số trong tương lai và đồng loạt “quay xe” hướng tới mục tiêu này.