Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế là Cụ “Hùm Xám đường 4” đã về trời!

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Tất cả các diễn đàn lớn nhỏ của cộng đồng người Nghệ-Tĩnh đều nhất loạt đưa tin về việc trung tá Đặng Văn Việt, người được quân Pháp gọi là “Hùm Xám đường 4” đã từ trần lúc 0h 55 phút ngày 25/9/2021, tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng Đại thọ 102 tuổi.

Ông Đặng Văn Việt sinh năm 1920, người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dòng họ ông có nhiều người nổi tiếng, đầu tiên phải kể đế tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám.

Danh gia vọng tộc

Bà nội của ông là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, ông Đặng Văn Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh.

Mẹ của ông là bà Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương, cụ Phương là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.

25 tuổi – Khi CMT8 nổ ra, ông cùng với Cao Pha (sau này là Thiếu tướng) xung phong nhận nhiệm vụ treo cờ cách mạng trên Kỳ đài Ngọ Môn Huế trước 120 họng súng của triều đình nhà Nguyễn. Đến giờ thì điều gì khiến cho ông là sinh viên ngành Y tại Đại học Đông Dương danh giá, một tay chơi tenis, đua xe đạp, nhảy đầm có tiếng từ những năm 1940… đẹp trai, tài hoa và con nhà quyền thế nhưng quyết định bỏ lại tất cả để đi theo cách mạng là điều phải có thời gian để tìm hiểu.

 Ông Đặng Văn Việt sinh năm 1920, người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một dòng họ có nhiều người nổi tiếng. Ảnh gia đình.

Nhà chỉ huy quân sự tài ba

Có điều, khi gia nhập quân đội và làm trung đoàn trưởng địa phương 28 (Lạng Sơn) ông đã bộc lộ tố chất của một nhà quân sự tài ba, thao lược thể hiện một tầm nhìn, tài phán đoán tình hình địch. Cuối năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương thành lập 2 trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội. Trung đoàn 174 (Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng) lấy từ các đơn vị của Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn do ông Đặng Văn Việt (khi đó 29 tuổi) làm trung đoàn trưởng, Chính ủy là đồng chí Chu Huy Mân. Còn Trung đoàn 209 (trung đoàn  Sông Lô) do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng (sau này lên đại tướng) và Chính ủy là đồng chí Trần Độ.

Bốn cán bộ chỉ huy 2 trung đoàn chủ lực đầu tiên của QĐND, đến nay chỉ còn lại mình lại ông Đặng Văn Việt, mang quân hàm trung tá. Nếu như Trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn được ví “nho tướng” thì Trung đoàn Đặng Văn Việt từ cách đi lại, vóc dáng, tiếng nói toát lên là một “hổ tướng” của QĐND, thuộc lòng binh thư.

Sở dĩ ông được người Pháp mệnh danh là "Hùm xám đường 4" do thành tích chỉ huy đơn vị Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton. Nói đến cái tên Đặng Văn Việt là nhắc đến người chỉ huy lẫy lừng tham gia các trận Bông Lau- Lũng Phầy (1949), trận Biên giới Đông Khê (1950), trận Bình Liêu, Mộc Châu (1953). Ông đã chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, mang trên mình 5 vết thương và quân Pháp nghe tin “Hùm Xám đường 4” là chân đập, tay run. Trước các trận đánh, ông luôn trinh sát trận địa một cách chi tiết, dựng mô hình đưa ra các phương án tác chiến khác nhau, nên địch bao giờ cũng bị bất ngờ.

Qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Trung đoàn 174  vinh dự 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Những cái tên như Trung tá Đặng Văn Việt, Thượng tướng Nguyễn Hữu An (người thay ông chỉ huy trung đoàn sau đó).

 Sở dĩ ông (người áo trắng) được người Pháp mệnh danh là 'Hùm xám đường 4' do thành tích chỉ huy đơn vị Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton. Ảnh Nguyễn Cảnh Bình.

Nhân bất phùng thời

Nngày 19 tháng 12 năm 1953, Luật Cải cách Ruộng đất được thông qua. Đầu năm 1954, gia đình ông trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố. Cha ông là cụ Đặng Văn Hướng bị đội giảm tô đấu tố tại quê nhà khi cụ đang đương chức là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, gia đình ông ly tán khắp nơi. Bản thân ông bị rời khỏi chức vụ Trung đoàn trưởng, được điều sang Trung Quốc làm Trưởng phòng Huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam.

Sau cuộc đấu tố năm 1954, hầu hết người thân trong gia đình ông hoặc đã chết hoặc đã ly tán ra nước ngoài. Ông có một người chị là Đặng Thị Lý- vợ của Thủ tướng VNCH Phan Huy Quát , các em Đặng Thị Tâm, Giáo sư Tiến sĩ ngành Tâm lý trẻ em tại Illinois (Hoa Kỳ), Giáo sư Đặng Văn Kỳ đang dạy ở Polytechnique (Pháp) và bà chị gái sống ở Sydney (Úc).

Năm 1954, ông trở về Việt Nam, tiếp tục làm Trưởng phòng Huấn luyện ở Trường Lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá và xuất ngũ sau đó 2 năm làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc Bộ Thủy sản đến khi nghỉ hưu. Nhiều năm, ông ở trong 1 căn phòng tập thể chưa đầy 15m2 được ngăn thành 2 nửa cho vợ chồng người con trai.

Anh hùng trong lòng dân

Cuộc đời Đặng Văn Việt của vị sĩ quan tài ba, giành nhiều chiến công hiển hách này của QĐND này gắn liền với “3 không” . Không khen thưởng, không đề bạt, không bổng lộc, kỳ lạ nhất là khi được phong quân hàm đến lúc nghỉ hưu ông chỉ đeo duy nhất quân hàm trung tá. Nhưng khi biết tin ông mất, Đại tá TS Đinh Xuân Thái (Giảng viên Học viện Quốc phòng) cho biết: “Với chúng tôi, từ lâu bác Việt đã là tướng của các ông tướng, anh hùng trong lòng dân, một người Anh mà văn, võ song toàn, tài hoa hiếm thấy”.

 Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Nguyễn Quốc Thước và các đồng đội đã đến thăm ông tại bệnh viện. Ảnh Trường Giang.

Mới đây, đại úy nhà báo quân đội Trường Giang đã ghi lại một câu chuyện cảm động. Cách đây vài năm, ông bệnh nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt-xô (Hà Nội) thì có đoàn khách đến thăm. Cô y tá trẻ thấy một đoàn khách tới thăm ông Việt có tới hai trung tướng và hai thiếu tướng đã thắc mắc:

- Anh ơi, ông cụ chắc phải là thượng tướng, đại tướng đấy nhỉ?

Khi nghe Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật thay mặt đoàn khẽ nói với bệnh nhân:

-Bác Việt ơi! Cháu Nguyễn Mạnh Đẩu ở Lục quân (Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân- pv) đây ạ. Đây là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; bên này là Thiếu tướng Tạ Quang Chính, con trai Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; bên này nữa là Thiếu tướng Hồ Thủy, con gái anh Hồ Sỹ Ngận; còn đây là cháu Giang ở Báo QĐND rất gắn bó với chú ạ...

Cô y tá đã khóc, nhiều người sau này đọc câu chuyện cũng khóc, tình đồng đội của những anh bộ độ Cụ Hồ vượt qua mọi thời gian, khoảng cách. Khi ông Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng thì Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mới là trung đội đội trưởng. Với mọi người ông là tướng không sắc phong, là anh hùng không tuyên dương, là hùm xám không nanh vuốt.

Vượt lên số phận

Khi về hưu, để mưu sinh ông đi bỏ mối bánh kẹo kiếm sống. Ông, bà vẫn đưa nhau đến CLB khiêu vũ, gần 90 tuổi vẫn ra sân đánh tennis. Thời gian rảnh, với chiếc xe 3 bánh, ông dành nhiều thời gian đi thăm bạn bè, đồng đội một cách lạc quan, quên đi mọi khó khăn, vất vả mà mình đã từng trải qua.

 Thời gian rảnh, với chiếc xe 3 bánh, ông dành nhiều thời gian đi thăm bạn bè, đồng đội một cách lạc quan, quên đi mọi khó khăn, vất vả mà mình đã từng trải qua. Ảnh gia đình cung cấp

Với nền tảng kiến thức được đào tạo cơ bản, ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp lại còn tự học để đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ.Từ năm 1985, ông bắt đầu tham gia viết sách, Hồi ký "Đường số 4 rực lửa", của ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. “Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng- Một sự kiện vĩnh hằng” cũng là một tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá cao. Điều đặc biệt là ông tự dịch nhiều cuốn sách cho mình chấp bút ra tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè 5 châu.

Năm 2012, Bộ Nội vụ chính thức có 1 văn bản “sửa sai” gửi Tỉnh ủy Nghệ An, huyện Diễn Châu về việc công nhận cha ông – cụ Đặng Văn Hướng là nhân sĩ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia cách mạng.

Sinh thời, Cụ vẫn tự nói về mình khi đề tặng sách cho nhiều người là “Người lính già  Đặng Văn Việt”. Giờ đây Cụ đã về với những đồng đội đã cùng người Trung đoàn trưởng mưu lược, tài cán tham gia  những trận đánh năm nao nhưng tấm gương kiên trung của “Hùm Xám đường 4” đang được nhiều thế hệ ngợi ca.