Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thế nào là đình công hợp pháp và không hợp pháp?

Kinhtedothi - Tôi được biết, dịp Tết Nguyên đán 2022 đã có gần 30 cuộc đình công, ngừng việc ở 14 tỉnh, TP. Tôi muốn hỏi, thế nào là đình công hợp pháp và không hợp pháp? Nguyễn Văn Tuấn, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Công nhân Công ty Công ty TNHH giày dép Hưng Đạt (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đình công ngày 12/1 đã quay trở lại làm việc bình thường. (Ảnh: Trương Hiệu)

Trả lời:

Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ tại Điều 198: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động (NLĐ) nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện NLĐ có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Tổ chức đại diện NLĐ là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục theo quy định của Bộ luật này để đình công trong các trường hợp:

- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật Lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.

- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp; hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện NLĐ có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể NLĐ hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện NLĐ tham gia thương lượng. Nội dung lấy ý kiến bao gồm: Đồng ý hay không đồng ý đình công; phương án của tổ chức đại diện NLĐ về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, phạm vi tiến hành đình công, yêu cầu của NLĐ.

Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện NLĐ quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết ít nhất 1 ngày. Việc lấy ý kiến không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện NLĐ tiến hành lấy ý kiến về đình công.

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ chức đại diện NLĐ ra quyết định đình công bằng văn bản. Quyết định đình công phải có các nội dung: Kết quả lấy ý kiến đình công; thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của NLĐ; họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công.

Ít nhất là 5 ngày làm việc, trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của NLĐ thì tổ chức đại diện NLĐ tổ chức và lãnh đạo đình công.

Có 6 trường hợp đình công bất hợp pháp, đó là: Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động; không do tổ chức đại diện NLĐ có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công; vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động; tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật Lao động; khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 Bộ luật Lao động.

NLĐ không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Lao động và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động. NLĐ tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bắt giữ đối tượng nuôi, vận chuyển trái phép gà lôi trắng

Bắt giữ đối tượng nuôi, vận chuyển trái phép gà lôi trắng

25 Apr, 12:05 PM

Kinhtedothi - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường - Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Thái Khắc Thành (SN 1980, trú tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ