Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu của cả nước trong năm 2023

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19), trong đó Thể thao Hà Nội đóng góp lớn vào thành tích chung, khẳng định vị thế hàng đầu trong cả nước.

Giữ vững vị thế dẫn đầu của cả nước

Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu và khẳng định được vị thế trong nhiều năm qua về thể thao thành tích cao, đóng góp vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam ở các giải đấu quốc tế. Năm 2023, thể thao Hà Nội tiếp tục thể hiện bản lĩnh ở hai kỳ Đại hội lớn của Thể thao Việt Nam tham dự là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19).

Thể thao Hà Nội đóng góp VĐV giành HCV tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.
Thể thao Hà Nội đóng góp VĐV giành HCV tại Asiad 19. Ảnh: Bùi Lượng.

Tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia, Thể thao Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét khi giành ngôi Nhất toàn đoàn với tổng cộng 355 huy chương gồm 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ. Đáng chú ý, các VĐV Hà Nội đã thi đấu xuất sắc đóng góp cho Đoàn Thể thao Việt Nam 40 HCV, 27 HCB và 32 HCĐ. Tổng số HCV các VĐV Thủ đô mang về tại sân chơi khu vực chiếm tới gần 1/3 thành tích chung toàn đoàn, góp phần không nhỏ giúp Đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vị trí nhất toàn đoàn ở một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài.

Trong khi đó, tại Đại hội tầm cỡ châu lục là Asiad 19, Thể thao Hà Nội đã đóng góp hơn nửa số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam khi giành được 2 HCV (nội dung đồng đội nữ biểu diễn quyền môn karate, đồng đội nữ 4 người môn cầu mây), 3 HCB, 7 HCĐ. Đặc biệt, ngành thể thao của Thủ đô cũng có được lần thứ ba liên tiếp đóng góp HCV cho Thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục tính từ Asiad 2014 đến nay. Hai VĐV giành HCV cho Thể thao Hà Nội nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung là VĐV là Dương Thúy Vi (Wushu tại Asiad 17) và Bùi Thị Thu Thảo (Nhảy xa, Điền kinh tại Asiad 18). Đặc biệt hơn nữa, HLV Nguyễn Hoàng Ngân ở môn Karate và VĐV bóng đá nữ Phạm Hải Yến thuộc Trung tâm HLV&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) cũng vinh dự nhận được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023". Đây được xem là sự ghi nhận cho những đóng góp của cá nhân, tập thể thể thao Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô.

Cầu thủ Phạm Hải Yến vinh dự nhận được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023". Ảnh: Thanh Hải.
Cầu thủ Phạm Hải Yến vinh dự nhận được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023". Ảnh: Thanh Hải.

Với vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào thể thao, thể thao thành tích cao, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách phù hợp, giúp ngành vượt qua nhiều khó khăn về kinh phí, cơ chế để tập huấn, thi đấu quốc tế; chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, trang thiết bị tập luyện… Tất cả những quyết định, định hướng đúng đắn đã tạo điều kiện thuận nhất cho VĐV yên tâm tập luyện, cống hiến cho ngành thể thao.

Hướng tới mục tiêu cao hơn

Sau SEA Games 32 vad Asiad 19, Thể thao Hà Nội tiếp tục chinh phục những thử thách mới, đầu tư cho các VĐV ở những môn, nội dung trọng điểm để tiếp tục đóng góp vào thành tích cho Thể thao Việt Nam ở những sân chơi khác như Olympic 2024, SEA Games 2025, Asiad 20… Đặc biệt, thể thao Hà Nội đang cố gắng chung tay cùng ngành thể thao để có thêm vé dự Olympic 2024. Hiện tại, VĐV Hà Nội tại các đội tuyển quốc gia tập luyện tại Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội và Trung tâm HLTT Quốc gia Hà Nội được kỳ vọng giành vé dự Olympic 2024 tiếp tục được đầu tư tối đa để hoàn thành mục tiêu đến Paris vào hè năm sau. Để thực hiện trọn vẹn các mục tiêu đã đề ra, sẽ có nhiều đầu việc cần giải quyết như các huấn luyện viên (HLV), tuyển thủ trọng điểm, VĐV trẻ xuất sắc cần được tập huấn quốc tế dài hạn ở những nền thể thao phát triển, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Hà Nội giữ vững vị thế về thể thao thành tích cao trong năm 2023.
Hà Nội giữ vững vị thế về thể thao thành tích cao trong năm 2023.

Thực tế, phát triển thể thao thành tích cao của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cũng còn nhiều khó khăn về kinh phí; cơ chế để tập huấn, thi đấu quốc tế; chế độ dinh dưỡng chuyên biệt; trang thiết bị tập luyện… Trong khó khăn chung, thể thao Hà Nội vẫn giữ được thành tích. Nhưng với sự quan tâm, quá trình đầu tư bài bản, bền bỉ, chuyên nghiệp theo định hướng xuyên suốt trong nhiều năm qua của Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội về phát triển thể thao Thủ đô; sự sát sao và hỗ trợ từ Sở VH&TT Hà Nội cũng như các cấp, ngành và các địa phương… Cùng sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, sự tự trọng và đam mê của các HLV, VĐV; sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện hết mình của gia đình và người thân giúp các Thể thao Hà Nội có các chuyến tập huấn nước ngoài; ở đó các VĐV được tập luyện, thi đấu với “quân xanh” chất lượng cao, đồng thời hoàn toàn tập trung vào tập luyện cũng như được hưởng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế tốt hơn hẳn so với trong nước.

Thể thao Hà Nội hướng tới những mục tiêu mới trong năm 2024.
Thể thao Hà Nội hướng tới những mục tiêu mới trong năm 2024.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ăn, ở, luyện tập và thi đấu, đặc biệt ở những môn trong hệ thống Olympic và Asiad cũng cần được đầu tư mạnh hơn. Ngoài ra, những chế độ đặc biệt để thu hút, giữ chân nhân tài thể thao cũng luôn là mong muốn bấy lâu của những nhà quản lý, HLV, VĐV Hà Nội. Nhiều tỉnh, TP đã áp dụng những chính sách đặc thù vượt trội, nhờ đó thu hút nhiều VĐV tài năng.