Thể thao Hà Nội hướng tới giấc mơ vàng ASIAD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể thao Hà Nội không thiếu nhân tài và không thiếu những môn thế mạnh có thể tranh...

Kinhtedothi - Thể thao Hà Nội không thiếu nhân tài và không thiếu những môn thế mạnh có thể tranh đua ở những kỳ Đại hội Châu lục như ASIAD. Song tấm HCV ASIAD vẫn là một giấc mơ của những người làm thể thao Hà Nội. Quyết tâm đổi màu huy chương tại sân chơi châu lục của thể thao Hà Nội đã thể hiện rất rõ trước thềm ASIAD lần thứ 17 diễn ra trong tháng 9 này tại Incheon (Hàn Quốc).

Ánh vàng, gần mà xa

Trong một lần trao đổi về câu chuyện thể thao Hà Nội luôn là "điểm tựa" cho thể thao Việt Nam ở các đấu trường khu vực, Phó Giám đốc sở VHTT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân nói: "Hà Nội bây giờ còn có một thế mạnh là… bóng đá. Đội Hà Nội T&T mùa nào cũng là ứng viên của chức vô địch. Nói thế, không phải là chúng tôi "dồn sức" cho bóng đá mà những thế mạnh khác vẫn duy trì". Thế rồi ông Lân đếm, ở SEA Games thì khỏi nói, bao giờ Hà Nội cũng là địa phương đóng góp nhiều HCV nhất, SEA Games 26 năm 2011 đoạt 37,6% số HCV, SEA Games 27 trên đất Myanmar đoạt 22 HCV (nhiều HCV nhất so với các địa phương), 23 HCB, 29 HCĐ hoàn thành chỉ tiêu đóng góp hơn 30% số HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Thế rồi ở Olympic thì sao? Hà Nội góp 6/18 VĐV dự Olympic London 2012 và ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu, Hà Nội gặt hái 8 HCB trên tổng số 17 HCB mà đoàn thể thao Việt Nam có được.Trên thực tế ở đấu trường ASIAD, những nhà quản lý thể thao Hà Nội không muốn "kể công" chứ trường hợp Lê Bích Phương - HCV duy nhất của Việt Nam tại ASIAD 16 trên đất Trung Quốc chính là một cô gái Hà Nội "xịn". Bích Phương luyện karate từ nhỏ ở nhiều CLB tại Hà Nội cho đến khi được Trung tâm TDTT Quân đội phát hiện và tiếp nhận. Phương đoạt HCV ASIAD trong màu áo Quân đội nhưng như chính cô thừa nhận "cái gốc" vẫn là từ phong trào và thế mạnh của karate Hà Nội.
Hai niềm hy vọng của thể thao Hà Nội: Hoàng Ngân (ảnh trái) và Nguyễn Thị Lụa.
Hai niềm hy vọng của thể thao Hà Nội: Hoàng Ngân (ảnh trái) và Nguyễn Thị Lụa.
Hay năm 2006, ASIAD tổ chức ở Doha, đội tuyển cầu mây Việt Nam tạo nên cơn chấn động khi đoạt hai HCV. Nổi danh là những Lưu Thị Thanh, Bích Thùy… nhưng chiến công của cầu mây năm ấy không thể không nhắc tới những năm tháng mà lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội lao tâm khổ tứ đưa cầu mây du nhập vào Việt Nam rồi vận động các địa phương khác phát triển phong trào để tìm ra nhân tài.

Điểm lại những tấm HCV ASIAD, đúng 20 năm trước, thể thao Việt Nam có tấm HCV đầu tiên tại đấu trường ASIAD. Đó là kỳ Đại hội tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản) năm 1994, võ sĩ Trần Quang Hạ trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành được HCV tại ASIAD. 4 năm sau, thể thao Việt Nam cũng chỉ có được một HCV ở môn taekwondo quen thuộc của Hồ Nhất Thống hạng 48kg. Cho đến ASIAD 2002 đó là hai tấm HCV của Vũ Kim Anh, Bảo Ngọc, một HCV bi-a của Trần Đình Hòa và một HCV thể hình của Lý Đức. Năm 2006 tại Doha (Qatar) những cô gái cầu mây nữ Việt Nam trở thành người hùng năm đó với hai HCV, chiếc còn lại thuộc về Nguyệt Ánh - Karate. Và ở ASIAD gần nhất diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010 Việt Nam chỉ có tấm HCV duy nhất trong môn karate của Bích Phương.

Thành công ở ASIAD như vẫn né tránh những nỗ lực của thể thao Hà Nội cho dù đã từng có rất nhiều cơ hội. Chẳng hạn năm 1998, cô gái vàng của Wushu Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền chỉ đoạt HCB khi mà trước đó cô đã là nhà vô địch thế giới. Gần hơn là trường hợp võ sĩ karate Hoàng Ngân. Ngân tới ASIAD 2010 với giấc mơ vàng thế nhưng ngay trước thềm ASIAD, Hoàng Ngân bị chấn thương không thể tham dự…

Incheon vẫy gọi

So với những kỳ ASIAD gần đây, lần này, đoàn thể thao Việt Nam tới ASIAD với lực lượng ít hơn nhưng được đánh giá là có chất lượng hơn. Gần 200 VĐV với 17 môn tham gia nhưng mục tiêu đặt ra là 3 - 4 HCV. Những mục tiêu vàng đó đều được đặt vào những gương mặt nổi trội của thể thao Việt Nam hiện nay như Ánh Viên (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Xuân Vinh của bắn súng…

Trong những niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam ở ASIAD lần này đều không có gương mặt nào sáng giá của thể thao Hà Nội. Tuy nhiên, trong thể thao rất khó nói trước được điều gì bởi vẫn còn đó là những tiềm năng mà thể thao Hà Nội có thể tỏa sáng ở đầu trường ASIAD, như võ sĩ karate Hoàng Ngân, đô vật Nguyễn Thị Lụa, các vận động viên đua thuyền, đấu kiếm...

Nhà vô địch thế giới Hoàng Ngân đã trở lại. Hai kỳ ASIAD trở lại đây, karate Việt Nam đều lên tiếng và lần này hy vọng đặt trọn vào Hoàng Ngân. Câu chuyện 4 năm trước đã qua, Ngân đã phẫu thuật chấn thương quái ác và khi trở lại thi đấu đỉnh cao, Hoàng Ngân đã cho thấy cô vẫn là một "nữ hoàng" của karate Việt Nam khi ngay lập tức đoạt HCV SEA Games 27. Từng là nhà vô địch thế giới, nhưng ở giải vô địch thế giới năm 2014 trên đất Indonesia, Hoàng Ngân chỉ có HCB, song nói như Trưởng bộ môn karate Việt Nam Vũ Sơn Hà thì: "Chúng tôi tin tưởng Ngân sẽ tỏa sáng lần này".

Cách đây 4 năm, Nguyễn Thị Lụa bất ngờ đoạt HCB môn vật tại ASIAD 16. Lụa là đô vật đã thể hiện chiến thắng tuyệt đối trước những VĐV tại SEA Games 27 nhưng sẽ không dễ khi bước ra sân chơi châu lục khi "đụng" phải những VĐV đến từ Trung Quốc, Triều Tiên hay Uzbekistan, Kazakhstan là những quốc gia có phong trào cực mạnh. Tuy nhiên, Ban huấn luyện vẫn tin tưởng, ở hạng cân nhẹ (48kg), đô vật Việt Nam vẫn có khả năng để đổi màu huy chương… Bên cạnh đó những nhân tố có thể đến bất ngờ từ những môn như wushu, bắn súng, đấu kiếm với những gương mặt Dương Thúy Vi, Lệ Dung, Hoàng Thị Tuất…

So với những hy vọng vàng ở ASIAD của thể thao Việt Nam thì rõ ràng những nhân tố của Hà Nội không được đánh giá quá cao, nhưng đó cũng có thể là một lợi thế khi sức ép tâm lý không nhiều để những VĐV của Hà Nội tự tin hơn.

Với đấu trường SEA Games, thể thao Hà Nội đã vững bước, bây giờ là lúc lên tiếng ở những đấu trường cao hơn, là ASIAD hay Olympic. Sân chơi thể thao lớn nhất khu vực tại Incheon một lần nữa là thước đo, là nơi để các HLV, VĐV Hà Nội thi đấu không chỉ vì vinh quang Tổ quốc mà còn là món quà nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.