Dấu ấn từ các môn ASIAD và Olympic
Tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với huấn luyện viên (HLV) và 702 vận động viên (VĐV), trong đó thể thao Hà Nội có 43 HLV và gần 160 VĐV. Với sự cố gắng và nỗ lực để góp vào thành tích chung, các VĐV của Hà Nội mang về 40 HCV, 27 HCB và 32 HCĐ trong tổng số 359 huy chương (136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ) của Đoàn Thể thao Việt Nam.
“Thành tích này là sự cố gắng không biết mệt mỏi của VĐV các bộ môn TP đã tạo nên thành tích của thể thao Hà Nội, đóng góp vào kết quả chung của Đoàn Thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là thành quả từ quá trình đầu tư xuyên suốt cũng như chủ trương xã hội hóa thể thao đúng đắn của Hà Nội nhiều năm qua. Những quyết sách đúng đắn đã giúp ngành thể thao Thủ đô có những lớp VĐV tài năng, góp sức cho thể thao nước nhà” - Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) Đào Quốc Thắng khẳng định.
Đáng chú ý, những thành quả của Thể thao Hà Nội tại SEA Games 32 được tập trung nhiều ở các môn thuộc hệ thống thi đấu của ASIAD và Olympic như: Bóng bàn, Đua thuyền, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Wushu hay Taekwondo… Người hâm mộ chưa thể quên hình ảnh ăn mừng đầy cảm xúc của cặp đôi Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng với thành tích ấn tượng để mang về tấm HCV cho bóng bàn đôi nam nữ của Việt Nam sau 26 năm sau khi đánh bại bộ đôi Singapore là Clarance Zhe Yu Chew và Jian Zeng. Hay như thành tích của tay đấm Hà Thị Linh môn boxing hạng 63kg. Sau khi Á quân thế giới Đỗ Thị Tâm gặp chấn thương ngay vòng đấu đầu, niềm hi vọng được đặt lên Hà Thị Linh. VĐV của Hà Nội không phụ lòng sự tin tưởng của Ban huấn luyện để mang về tấm HCV cho bộ môn cũng như Đoàn thể thao Việt Nam. Đây cũng là tấm HCV duy nhất của bộ môn Boxing ở SEA Games 32.
“Đối với các VĐV khi phải tập luyện xa gia đình là điều rất thiệt thòi, trong đó tôi lại có 2 con còn nhỏ càng tạo nên thách thức nhưng đều phải tạm gác lại việc cá nhân để hướng tới mục tiêu chung và thành quả đã đến. Tôi thực sự tự hào vì góp công cho Đoàn thể thao Việt Nam cũng như thể thao Hà Nội - nơi đã phát hiện, đào tạo tôi” – VĐV Hà Thị Linh cho biết.
Bên cạnh các môn như Bóng bàn, Boxing… Thể thao Hà Nội còn có những đóng góp của các VĐV khác như Phạm Quốc Việt (Taekwondo), Dương Thuý Vi, Nguyễn Thị Lan, Trương Văn Chưởng (Wushu), Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ), Vũ Thành An, Bùi Thị Thu Hà, Phạm Thị Thu Hoài… (Đấu kiếm), Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh (Điền kinh)… Những thành tích này một lần nữa khẳng định vị trí số 1 của thể thao Hà Nội cũng như chủ trương tập trung xây dựng các môn thể thao và trọng điểm là các môn ASIAD và Olympic.
Tạo động lực cho VĐV tập luyện, thi đấu
Với 40 HCV tại SEA Games 32, Thể thao Hà Nội đạt 29,41%, hoàn thành xuất sắc khi chỉ có gần 22% VĐV góp mặt trong Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó đa số là các môn thể thao ASIAD và Olympic khẳng định sự đầu tư đúng đắn của thể thao thành tích cao Hà Nội. Đặc biệt, với vai trò đi đầu trong cả nước về phát triển, ngành thể thao Thủ đô từ nhiều năm qua đã tập trung đầu tư cho các VDVD tiềm năng cũng như trọng điểm để hướng đến những sân chơi như ASIAD và Olympic.
Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng khẳng định, để thể thao Hà Nội phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ các VĐV đang tập huấn ở đội tuyển quốc gia về chế độ dinh dưỡng và trang thiết bị tập luyện để giúp thể thao Thủ đô nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung phát triển theo đúng định hướng của nước nhà.
“Sau SEA Games 32, thể thao Hà Nội tiếp tục đầu tư và đào tạo theo đúng kế hoạch được giao. Cùng với đó đưa VĐV đi tập huấn tại các nước nền thể thao phát triển bằng kinh phí của ngành Thể thao Hà Nội nhằm tạo điều kiện và hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm cọ xát. Bên cạnh đó, thể thao Hà Nội tiếp tục tuyển chọn các tài năng kế cận, vạch ra hướng đầu tư bài bản, giúp các VĐV có động lực trong tập luyện, thi đấu, giành thêm nhiều thành tích tại các sân chơi châu lục và thế giới” - ông Đào Quốc Thắng khẳng định.
Được biết, ngay sau SEA Games 32 các VĐV đã nhanh chóng quay lại tập trung, tập luyện chuẩn bị cho ASIAD lần thứ 19 diễn ra tại Trung Quốc và Olympic 2024 tại Pháp. Đặc biệt, các VĐV sẽ hướng đến kỳ Đại hội tiếp theo khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đưa ra quy định mới. Cụ thể, từ SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025 sẽ phải có môn Điền kinh và thể thao dưới nước của nhóm 1, ít nhất 14 môn của nhóm 2 (nhóm môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic và Đại hội thể thao châu Á - ASIAD). Trong khi đó, ở nhóm 3 (nhóm các môn thể thao còn lại) sẽ chỉ có tối đa 2 môn với 8 nội dung mỗi môn trong chương trình thi đấu của một kỳ SEA Games.