Thể thao Hà Nội sẽ vươn xa

Vân Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫn đầu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII; đóng góp tới 42,1% số huy chương trong tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao lớn nhất châu lục - ASIAN Games 2018, thể thao Hà Nội đã có một năm đầy thành công trên mọi mặt trận. Thế nhưng, nếu muốn đi xa hơn thì thể thao Thủ đô sẽ còn nhiều việc phải làm.

Hà Nội vừa đăng cai thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII
Vai trò chủ lực của thể thao Thủ đô
Hà Nội vừa đăng cai thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Ngoài việc để lại dấu ấn về một lễ khai mạc được đánh giá là mang đậm nét hiện đại, được tổ chức khoa học, khác hẳn những lễ khai mạc được tổ chức rườm rà theo cách cũ, Hà Nội cũng cho thấy khả năng tổ chức thành công các cuộc thi đấu lớn.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao của Thủ đô đã được tận dụng tốt cho dịp tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần này. Công tác tổ chức của Hà Nội được các đoàn đánh giá là gọn, nhẹ, khoa học, đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là cách để Thể thao Hà Nội tập dượt nhằm chuẩn bị cho công tác tổ chức SEA Games 2021.
Trước khi Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức cũng đã có ý kiến lo ngại khi những con người của Sở VH&TT Hà Nội trước kia, vốn có kinh nghiệm tổ chức 4 kỳ Đại hội và gần đây nhất là SEA Games 2003 hầu hết đã nghỉ hưu. Nhưng sau Đại hội, Hà Nội đã giải tỏa phần nào băn khoăn của các đoàn khi công tác tổ chức khá chu đáo và quy củ. Về chuyên môn, thành tích dẫn đầu toàn đoàn, vượt xa các đoàn còn lại, như một sự khẳng định vị trí vững chắc của thể thao Thủ đô trong làng thể thao Việt Nam.
Đặc biệt, Đại hội thể thao châu Á (ASIAN Games) lần thứ 18 cũng ghi đậm dấu ấn thành công của thể thao Thủ đô khi các vận động viên (VĐV) của Hà Nội góp sức giành 16/38 huy chương, chiếm tỉ lệ 42,1% tổng số huy chương Đoàn thể thao Việt Nam, qua đây khẳng định được vai trò chủ lực không thể thiếu của Hà Nội đối với thể thao cả nước.
Trong đó, không thể không kể đến tấm HCV điền kinh quý giá thuộc về VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo - gương mặt được Hà Nội đầu tư từ nhiều năm qua, đã được UBND TP Hà Nội tuyển vào biên chế theo diện đặc cách dành cho các tài năng thể thao.
Ảnh: Vân Giang

Năm trọn vẹn của thể thao Thủ đô không thể không nhắc tới sự kiện Hà Nội công bố việc đăng cai tổ chức giải đua xe đắt đỏ hàng đầu thế giới F1 vào năm 2020. Khi giải đua xe F1 được tổ chức, cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ đón tiếp một lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Đường đua F1 cũng được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế ở những thời điểm không tổ chức giải đấu.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động tin tưởng, giải đua F1 sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, tạo ra một sự kiện thể thao giải trí hấp dẫn cho người dân trải nghiệm, thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả nước, tạo đà cho phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển và các loại hình dịch vụ phục vụ khác.
Những trăn trở chưa có lời giải
Với những dấu ấn đặc biệt ấy, thể thao Thủ đô đã có một năm đầy viên mãn, tuy nhiên nếu muốn hướng tới cái đích xa hơn thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước đây trong giai đoạn thể thao Việt Nam mới hội nhập trở lại đấu trường khu vực, chủ trương đi tắt, đón đầu của Hà Nội đã mang đến hàng loạt thành công cho thể thao Thủ đô nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung ở nhóm môn võ, vật. Thế nhưng trong giai đoạn đất nước đang có sự phát triển mới, với xu hướng tấn công vào đấu trường Asian Games và Olympic như hiện nay thì thể thao Thủ đô sẽ còn nhiều trăn trở.
VĐV nhảy xa Bùi Thu Thảo. Ảnh: Zing.vn

Đơn cử như trong số các huy chương đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Asian Games vừa qua, Hà Nội thành công khi đóng góp được chiếc HCV ở nội dung nhảy xa của VĐV Bùi Thị Thu Thảo. Nhưng Thảo cũng không còn trẻ nữa và cô dự định sau SEA Games 30, tổ chức tại Philippines vào năm nay, cô sẽ giã nghiệp để thực hiện thiên chức làm mẹ. Tìm được người thay thế xứng đáng sẽ là dấu hỏi lớn với điền kinh Hà Nội.
Bên cạnh môn điền kinh, ở nhóm môn Olympic cơ bản như thể dục dụng cụ, trong nhiều năm qua, Hà Nội đang sở hữu lứa VĐV xuất sắc là Phước Hưng, Phan Hà Thanh, Đinh Phương Thành. Phan Hà Thanh hiện đã nghỉ do chấn thương trong khi Phước Hưng cũng đã lớn tuổi. Ai sẽ là người thay thế cho VĐV đã ghi danh vào lịch sử của thể dục dụng cụ thế giới như Phước Hưng, cũng sẽ là câu hỏi mà thể thao Thủ đô phải trả lời.
Ở môn vật, thể thao Hà Nội từng tự hào với nữ đô cử số 1 cả nước với hàng loạt chiến công lẫy lừng là Nguyễn Thị Lụa. Lụa từng đoạt HCB ASIAN Games, HCB châu Á, 2 lần giành vé dự Olympic và hàng loạt HCV SEA Games. Hiện bộ môn vật nữ Hà Nội có các gương mặt trẻ là Kiều Thị Ly (55kg), từng đoạt HCV trẻ châu Á; Nguyễn Thị Xuân (48kg) từng đoạt HCĐ trẻ châu Á. Cả 2 VĐV này đều được xem là những gương mặt có thể thay thế Nguyễn Thị Lụa. Tuy nhiên đã thay thế xứng tầm hay chưa thì lại là câu hỏi khó bởi Lụa giành HCB ASIAN Games năm 18 tuổi trong khi cả 2 VĐV trên giờ đã trên 20 tuổi…
Đây là những bài toán mà Thể thao Hà Nội sẽ phải tìm ra lời giải nếu còn muốn tiến xa hơn ở đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.