Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020: Không đặt gánh nặng về thành tích

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 1 tấm 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ ở Paralympic Brazil 2016, Đoàn Thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam sẽ tham dự Paralympic Tokyo 2020 với hy vọng sẽ có huy chương sau 2 năm trầm lắng vì đại dịch.

VĐV Trịnh Thị Bích Như tranh tài ở nội dung 100m ếch nữ hạng thương tật SB5. Ảnh: Bùi Lượng.

Việt Nam tham dự với 7 VĐV
Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9 với 22 môn thể thao và 540 nội dung. Đoàn Thể thao NKT Việt Nam tham dự đại hội do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn với 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV gồm: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (Bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (Cử tạ), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (Điền kinh). Những VĐV này đã được Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) chấp thuận và phê chuẩn giành quyền tham dự Thế vận hội sau khi có kết quả phân loại thương tật đảm bảo thời gian và quy định của IPC.

Như kế hoạch ban đầu, Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 25/8 đến ngày 5/9/2020 nhưng do dịch bệnh Covid-19 Thế vận hội của các VĐV người khuyết tật đã phải tạm hoãn sang năm 2021. Đây là lần đầu tiên Thế vận hội người khuyết tật phải lùi lịch và Nhật Bản cũng là đất nước có lần thứ 2 đăng cai, trước đó lần đầu tiên tổ chức vào năm 1964.

Tại Paralympic Tokyo 2020 sẽ có sự góp mặt của khoảng 4.400 VĐV. Cũng giống như Olympic Tokyo 2020 mới khép lại thành công, BTC nước chủ nhà quyết định khán giả sẽ không được dự khán các trận thi đấu trực tiếp mà sẽ theo dõi qua kênh truyền hình, phát sóng trực tiếp tất cả các môn thi.

Mục tiêu là có huy chương

Với tấm HCV của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công (49kg) tại Paralympic 2016 với thành tích tổng cử 183kg và phá kỷ lục thế giới, nhiều kì vọng được đặt cho Đoàn TTNKT Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020 sắp tới. Tuy nhiên, sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Đoàn TTNKT Việt Nam đã gặp những khó khăn nhất định trong quá trình đến với Thế vận hội.
Ngoài VĐV Trịnh Thị Bích Như, môn Bơi còn có sự góp mặt của VĐV Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Bùi Lượng.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh cũng là Trưởng đoàn tại Paralympic Tokyo 2020 cho biết, Mọi công tác chuẩn bị cho đoàn đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày lên đường. Công tác hậu cần như hỗ trợ các VĐV làm thủ tục ở các điểm xuất, nhập cảnh đã hoàn thành, việc chuẩn bị trang phục, chuẩn bị thuốc men, ăn uống dọc đường, công tác xét nghiệm, tiêm vaccine… đều đã được phân công cụ thể cho các cán bộ đoàn. Trong đó, theo như quy định của Ban Tổ chức, Đoàn TTNKT Việt Nam có 7 VĐV thì tổng số người đi trong đoàn tối đa chỉ là 15.

“Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, các VĐV đã nỗ lực tập luyện nhưng không được thi đấu cũng như không được tập huấn dù trong nước hay quốc tế, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến phong độ hiện tại của các VĐV. Ở Thế vận hội lần này, thành phần đoàn dự chủ lực vẫn chính là các VĐV tham dự Paralympic 2016” – ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Đặc biệt, Trưởng Đoàn TTNKT Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020 cũng khẳng định các VĐV tham dự Thế vận hội là để rèn luyện sức khỏe, điều quan trọng hơn là để giúp các VĐV kém may mắn có thể hòa nhập với cộng đồng, vì thế không đặt nặng thành tích cho các VĐV. Theo kế hoạch, sáng ngày 19/8 Đoàn TTNKT Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản và có mặt tại Tokyo vào chiều cùng ngày. Đoàn sẽ ở tại Làng VĐV theo quy định của Ban Tổ chức.