Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao và chuyện chỉ tiêu vàng

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã vượt chỉ tiêu vàng tại ASIAD 2018.

Đây là thành tích rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh hơn nửa chặng đường của Đại hội đoàn TTVN từng lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ khi những niềm hy vọng vàng lần lượt rơi vàng. Thế nhưng, từ trạng thái thấp thỏm chờ vàng Asiad, giới chuyên môn cho rằng, đã đến lúc cần phải hoạch định cho được đâu là thế mạnh thực sự của nền thể thao.
Tổng thư ký Nguyễn Hải Đường và đội tuyển Rowing Việt Nam
Trong số những tấm Huy chương Vàng (HCV) mà TTVN giành được có 2 tấm đến từ các môn thể thao Olympic là Rowing và điền kinh. Đáng nói, cả hai tấm HCV này đều nằm ngoài những tính toán ban đầu của lãnh đạo đoàn TTVN. Hay nói đúng hơn, không có nhiều cơ sở để đặt niềm tin vào họ. Đây là điều dễ hiểu khi mà ở những môn thể thao Olympic tính đối kháng rất cao. Người ta có thể dễ dàng tính toán được khả năng giành huy chương, thậm chí giành HCV nếu so kết quả tập luyện của vận động viên với những đối thủ cùng nội dung. Trong đó, các vận động viên của Việt Nam thường thất thế trong cuộc chạy đua với đối thủ do hạn chế về thể hình, thể lực và kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Cuối cùng, TTVN vẫn có vàng từ hai môn thể thao Olympic. Quách Thị Lan đã có tấm HCB nội dung 400m điền kinh. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam đã giành HCB tại Asiad nhờ chiến tích của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho TTVN, nhất là khi chúng ta đã tìm được thứ hạng ở thể thao Olympic vốn trước nay bị coi là ngoài tầm với.

Thể thao Olympic mang đến bất ngờ cho đoàn TTVN bởi hy vọng lớn nhất thuộc về các môn võ. Thế nhưng, ngoại trừ Silat mang vàng về thì những môn thể thao khác đều thất bại dù có rất nhiều nội dung vào chung kết. Rất nhiều lần giới chuyên gia từng cảnh báo về sự thiếu ổn định trong việc giành vàng của các đoàn thể thao. Đơn giản vì có những môn chúng ta tưởng rằng mình rất mạnh nhưng đến khi thi đấu chính thức, các VĐV vẫn rớt đài. Các VĐV đến từ quê hương của các môn võ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Indonesia thường dễ dàng gom vàng bỏ mặc chúng ta trong sự bất lực về mục tiêu giành vàng.

Nhiều người cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thực tế hơn trong việc đặt chỉ tiêu giành vàng. Hay nói xa hơn, ngành thể thao phải hoạch định được hướng đi cần thiết để đầu tư xứng đáng cho những môn thể thao phù hợp nhất với tố chất người Việt. Bởi, mục tiêu giành vàng, hay việc vượt chỉ tiêu vàng vốn phụ thuộc vào sự hào phóng của các đối tác không thể giúp TTVN có được thế đứng vững chắc trên đấu trường quốc tế. Chúng ta phải đầu tư cho những môn thể thao mà việc giành huy chương phụ thuộc vào trình độ, đẳng cấp VĐV. Và đặc biệt, không thể nói TTVN không thể hướng đến thể thao Olympic khi chúng ta vẫn thấy tiềm năng từ các VĐV qua ASIAD 2018. Vấn đề là các nhà quản lý cần tìm cho được những môn phù hợp, đầu tư quyết liệt, dài hạn cho nó thì thành tích một cách thực sự sẽ đến.