Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao Việt Nam có nguy cơ "trắng tay" tại Olympic Paris 2024

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù có 16 suất tham dự Olympic Paris 2024 nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam gần như không còn cơ hội giành huy chương sau thất bại của xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và kình ngư Huy Hoàng ở nội dung 800m tự do nam.

Bất ngờ chưa xảy ra

Đoàn Thể thao Việt Nam sang Pháp tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên, trong đó có 16 vận động viên, 16 huấn luyện viên, chuyên gia, 2 bác sĩ. Các vận động viên tham gia thi đấu ở 11/32 môn thể thao.

Các môn thi đấu đã diễn ra ngay sau Lễ khai mạc Olympic Paris 2024, ngoại trừ màn thi đấu phân nhánh môn bắn cung, có sự góp mặt của Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh hụt huy chương Olympic Paris 2024 đáng tiếc ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Ảnh: Bùi Lượng.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh hụt huy chương Olympic Paris 2024 đáng tiếc ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Ảnh: Bùi Lượng.

Đấu trường Olympic chưa bao giờ là dễ dàng đối với các vận động viên Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng khi quy tụ nhiều gương mặt xuất sắc của thế giới. Việc được góp mặt tại Olympic là niềm vinh dự nhưng để giành được huy chương đối với các vận động viên Việt Nam vô cùng khó khăn. Niềm hy vọng của Đoàn Thể thao Việt Nam được dành cho xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở môn bắn súng và kình ngư Huy Hoàng ở môn bơi.

Ở môn bắn súng, xạ thủ Trịnh Thu Vinh giành vé đến Olympic Paris 2024 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Tại vòng loại, xạ thủ này thi đấu ổn định và có được 578 điểm, đứng thứ 4 để trở thành xạ thủ Việt Nam thứ 2 vào chung kết một nội dung bắn súng Olympic, sau Hoàng Xuân Vinh - huyền thoại giành HCV 10m và HCB 50m súng ngắn hơi nam ở Olympic Rio 2016.

Tại vòng chung kết, Thu Vinh tiếp tục thể hiện bản lĩnh và tinh thần tốt nhưng cũng chỉ giành vị trí thứ 4 với 198,6 điểm, không thể vào loạt bắn tranh huy chương. Dù vậy, đây là vị trí không tệ đối với xạ thủ của Việt Nam, nhất là khi cô tiến xa hơn các đối thủ mạnh như Major - đứng nhất vòng loại hay xạ thủ Jiang - người đang giữ kỷ lục Olympic, kỷ lục thế giới và từng 5 lần vô địch thế giới.

Dù không tạo nên chiến tích nhưng xạ thủ Trịnh Thu Vinh vẫn còn tranh tài ở nội dung 25m súng ngắn. Tuy nhiên, đây không phải nội dung sở trường của vận động viên sinh năm 2000. Tại Asiad Hàng Châu, Thu Vinh xếp hạng 27/43 ở vòng loại nội dung này, kém hơn hai người đồng đội là Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thùy Trang.

Huy Hoàng không thể tạo nên bất ngờ tại Olympic Paris 2024.
Huy Hoàng không thể tạo nên bất ngờ tại Olympic Paris 2024.

Thất bại của Thu Vinh khiến cơ hội giành huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam hẹp lại, niềm hy vọng tiếp theo là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên, điểm rơi phong độ của Huy Hoàng thời gian qua là không tốt và kình ngư này không giành vé vào thi chung kết.

Cũng giống Thu Vinh, kình ngư Huy Hoàng còn thi đấu ở nội dung khác là 1.500m tự do. Ở nội dung này, Huy Hoàng từng giành được HCB tại Asiad 2018 nhưng trong vài năm gần đây thành tích của nam vận động viên đi xuống rõ rệt. Huy Hoàng chỉ đạt được chuẩn B Olympic nội dung 1.500m tự do. Việc thi đấu Olympic với chuẩn B có thể xem là khá miễn cưỡng.

Ngoài Huy Hoàng và Thu Vinh, Phạm Thị Huệ kết thúc phần thi chèo thuyền đơn nữ hạng nặng môn rowing ở tứ kết với thời gian 7 phút 56,96 giây, đứng cuối ở nhóm đấu thứ 2 nhưng đã chiến thắng chính bản thân mình. Những vận động viên khác của Việt Nam đã nói lời chia tay với Olympic Paris 2024 còn có Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Hoàng Thị Tình (judo), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing).

Còn hy vọng nào ở Olympic Paris 2024?

Một số môn được trông chờ có hy vọng huy chương nhưng đã phải dừng bước và khó có thể cạnh tranh khiến cơ hội của Đoàn Thể thao Việt Nam càng thu hẹp. Trong nhóm vận động viên “ngôi sao” còn nội dung thi đấu là Ánh Nguyệt, Quốc Phong (bắn cung), Nhi Yến (điền kinh), Mỹ Tiên (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing).

Đối với bắn cung, Ánh Nguyệt lần thứ 2 tham dự Olympic và có sự tiến bộ rõ rệt khi xếp hạng 37/64 vòng loại nội dung cung 1 dây cá nhân nữ, qua đó giúp vận động viên thuộc biên chế của Hà Nội tránh được các đối thủ mạnh ở vòng 1/32. Tuy nhiên, Ánh Nguyệt phải thắng ít nhất 5 trận đấu mới có thể giành huy chương do thể lệ phân cặp đấu loại trực tiếp. Đây cũng là áp lực không nhỏ cho Quốc Phong ở nội dung cung 1 dây cá nhân nam.

Trịnh Văn Vinh nhận được sự kỳ vọng tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty
Trịnh Văn Vinh nhận được sự kỳ vọng tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty

Niềm hy vọng số một lúc này được đặt lên đôi vai của lực sĩ Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ. Trong quá khứ, Trịnh Văn Vinh từng giành HCV SEA Games 2017 với tổng cử 307kg. Đặc biệt, tại Asiad 2018, Trịnh Văn Vinh cũng đạt mức tổng cử 299kg.

Tuy nhiên, lực sĩ này đã sa sút đáng kể sau án cấm thi đấu dài hạn. Ngoài ra anh còn dính chấn thương và phải tiêm thuốc giảm đau để thi đấu. Tại Asiad 2023, Trịnh Văn Vinh chỉ đạt mức tổng cử 292kg. Thành tích tốt nhất của Trịnh Văn Vinh mới đây là 294kg tổng cử, đứng thứ 9 thế giới. Nhưng hiện tại có 6 vận động viên đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg. Việc mong chờ có huy chương tại Olympic Paris 2024 khó có thể thoàn thành với cử tạ và thể thao Việt Nam. 

Nhìn vào lực lượng hiện có và tình thế tại Olympic Paris 2024, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng trước nguy cơ “trắng tay” khi khả năng có huy chương là rất nhỏ. Không quá bất ngờ khi đây là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp Đoàn Thể thao Việt Nam không có nổi một vị trí trên bảng tổng sắp huy chương.