549 nội dung, 22 môn thể thao tranh tài
Đã là thông lệ, sau khi khép lại những ngày tranh tài tại Olympic, nước chủ nhà sẽ tổ chức Paralympic – sân chơi cho các vận động viên người khuyết tật. Năm 2024, Olympic và Paralympic được tổ chức tại Pháp, trong đó Paralympic Paris 2024 sẽ khai mạc ngày 28/8 tại sân Place de la Concorde và bế mạc ngày 8/9 tại sân Stade de France.
Tại Paralympic Paris 2024, Ban Tổ chức chủ nhà Pháp đưa vào tranh tài 549 nội dung của 22 môn thể thao. Các điểm tổ chức thi đấu đều là những nơi đã diễn ra các môn của Olympic Paris 2024 trước đó. Thông tin từ nước chủ nhà Pháp, mọi chuẩn bị đã hoàn tất để chào đón các đoàn thể thao vận động viên người khuyết tật về tranh tài.
Trong đó, lễ thắp đuốc Paralympic Paris 2024 đã được tổ chức từ ngày 24/8 tại tại Bệnh viện Stoke Mandeville (Tây Bắc nước Anh) để bày tỏ lòng kính trọng với nguồn gốc của Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ Thế vận hội London năm 2012, ngọn lửa Paralympic sẽ được thắp sáng tại quê nhà Stoke Mandeville. Được biết, 2 vận động viên người Anh là Helene Raynsford và Gregor Ewan được giao trọng trách thắp sáng ngọn đuốc.
Ngoài ra, 24 công dân Anh sẽ rước đuốc đi qua đường hầm eo biển Manche và bàn giao cho 24 công dân Pháp tại đường ranh giới giữa hai nước. Ngọn lửa được san sẻ sang 12 ngọn đuốc, được tổng cộng 1.200 người sẽ luân phiên rước đuốc đi khắp 50 thị trấn của nước Pháp. Theo kế hoạch, ngày 28/8, những ngọn đuốc này sẽ hội tụ tại Paris, trùng thời điểm với lễ khai mạc Paralympic 2024. Theo Ban Tổ chức, 12 ngọn đuốc tượng trưng cho 12 ngày tranh tài của Paralympic 2024.
Paralympic Paris 2024 là lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp, sẽ được khai mạc ở khu vực giữa Đại lộ Champs-Elysees và Quảng trường Concorde, với những tiết mục do Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly dàn dựng.
Ban Tổ chức đặt mục tiêu bán khoảng 2,5 triệu vé cho kỳ Đại hội năm nay. Khoảng 4.400 vận động viên sẽ tranh tài ở 549 nội dung, diễn ra tại 18 địa điểm thi đấu, trong đó có 16 địa điểm từng là nơi diễn ra các cuộc tranh tài Olympic, như quảng trường Grand Palais, Cung điện Versailles và sân vận động Stade de France.
Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương
Tham dự Paralympic Paris 2024, Đoàn Thể thao người khuyết tật Thái Lan góp mặt đông đảo nhất với 78 tuyển thủ trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài Việt Nam, Thái Lan thì các quốc gia gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Myanmar... đều có tuyển thủ thể thao người khuyết tật góp mặt.
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đến Paris với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 HLV và 7 VĐV. Các tuyển thủ sẽ tranh tài gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh). Cả 7 vận động viên tham dự Paralympic Paris 2024 đều thuộc thể thao người khuyết tật TP Hồ Chí Minh.
So với Paralympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), số lượng vận động viên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam vẫn giữ nguyên 7 người. Tuy nhiên chỉ có 3 người từng thi đấu ở Paralympic Tokyo 2020 là Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ) và Đỗ Thanh Hải (bơi). Còn lại là Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh), Lê Tiến Đạt (bơi), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ) lần đầu giành vé tham dự Đại hội.
Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Hồng Minh - Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Thế vận hội cho biết, Đoàn vận động viên Việt Nam đã gia nhập Làng vận động viên và ổn định nơi ăn, chốn ở và được sắp xếp ở trong 4 căn phòng của toà nhà D5.
“Vị trí Ban Tổ chức bố trí cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam rất thuận tiện, gần nhà ăn. Trong đó, nhà ăn tại làng vận động viên rất rộng rãi, thức ăn đa dạng, đủ các châu lục và thức ăn cho người theo đạo Hồi. Nhà ăn phục vụ 24/24 giờ, các vận động viên Việt Nam cảm thấy ngon miệng trong những bữa đầu ăn ở đây” – ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Ngay sau khi gia nhập Làng vận động viên, các tuyển thủ được làm quen với khu tập luyện chuyên môn để chuẩn bị trước thi đấu chính thức. Mục tiêu của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam là giành huy chương. Trong đó, niềm hy vọng có huy chương vẫn được đặt lên vai của lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49kg. Ở nội dung này, Lê Văn Công từng giành HCV tại Paralympic Rio 2016 và HCB Paralympic Tokyo 2020.
Năm nay đã 40 tuổi, Lê Văn Công vẫn tiếp tục gánh vác hy vọng cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Ngoài ra, kình ngư Lê Tiến Đạt cũng có thể làm nên bất ngờ. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 (Asian Para Games 4), Lê Tiến Đạt từng đoạt HCV nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB5.