Thể thao Việt Nam hậu Olympic: Cơ cấu lại chiến lược đầu tư

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể thao Việt Nam đã khép lại một kỳ Thế vận hội thành công rực rỡ với HCV, HCB môn bắn súng.

Chiến công được thực hiện bởi Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam (TTVN) thoát khỏi cơn hạn huy chương ở đấu trường Olympic. Nhưng, câu hỏi đặt ra là sau ánh hào quang, những nhà hoạch định sách lược cho ngành thể thao sẽ làm gì để có được sự hội nhập một cách thực sự với sân chơi lớn.

Từ nỗi buồn Ánh Viên

Sau SEA Games 2013, TTVN ghi nhận một trường hợp đặc biệt mang tên Nguyễn Thị Ánh Viên ở đường đua xanh. Khi ấy, dù mới 17 tuổi nhưng Ánh Viên đã trở thành một ngôi sao chói sáng của đoàn TTVN. Với 6 huy chương (3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), phá 2 kỷ lục SEA Games ở các cự ly 200m ngửa (2 phút 14 giây 80) và 400m hỗn hợp (4 phút 46 giây 16), Ánh Viên được bình chọn là “Ấn tượng vàng SEA Games 27”.

Ngay sau màn trình làng quá đỗi ấn tượng, ngành thể thao đã lên một chiến lược đầy tham vọng cho kình ngư trẻ tuổi. Cô được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn với chi phí lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ánh Viên được thầy giỏi hướng dẫn và có được chế độ ăn, tập luyện hoàn hảo. Hai năm sau, tại SEA Games 2015, Ánh Viên đã đi vào lịch sử khi giành tới 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Cô trở thành VĐV bơi lội xuất sắc nhất trong lịch sử TTVN. Hơn thế nữa, bằng tài năng của mình, Ánh Viên đem đến một nhận thức khác cho TTVN về những môn thể thao Olympic vốn được cho là không phù hợp với thể trạng người Việt Nam.

Thành công của Ánh Viên ngay lập tức tác động đến chính sách đầu tư của ngành thể thao. Bơi lội nhận được sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ có Ánh Viên, một loạt VĐV khác cũng được quy hoạch vào nhóm “tạo nguồn” cho những đấu trường lớn. Họ được hưởng chế độ tiền công tập luyện, tiền ăn và ra nước ngoài tập huấn, thi đấu dài hạn. Dù phải tiêu tốn khá nhiều tiền nhưng ngành thể thao và dư luận đều khấp khởi hy vọng vào sự thành công của những môn thể thao Olympic ở đấu trường Olympic.
Hoàng Xuân Vinh (thứ 2 từ trái sang) vui mừng cùng đồng đội và huấn luyện viên sau khi giành HCV Olympic.
Hoàng Xuân Vinh (thứ 2 từ trái sang) vui mừng cùng đồng đội và huấn luyện viên sau khi giành HCV Olympic.
Niềm hy vọng là có thật. Đầu tư cho những niềm hy vọng ấy là có thật. Nhưng, cái mà TTVN thu được là nỗi thất vọng ngập tràn dù các nhà chuyên môn đã lường trước được điều này. Ánh Viên không thể xóa được khoảng cách quá lớn về thành tích để giành được dù chỉ là tấm HCĐ. Ánh Viên thậm chí còn không vượt qua vòng loại để dự tranh vòng chung kết.

Từ hy vọng đến thất vọng, Ánh Viên đưa TTVN trở lại thực tế khắc nghiệt là sân chơi Olympic vẫn là cái đích chưa thể hướng tới. Nó buộc những nhà quản lý thể thao phải tính toán lại về cách chọn đường và đầu tư cho tương lai.

Đâu là con đường phải đi?

Tại Thế vận hội 2016, TTVN không chỉ ghi nhận thất bại của bơi lội mà còn chứng kiến màn ngã ngựa của một loạt môn thể thao Olympic khác. Điền kinh không thể cất cánh nhờ tài năng của Nguyễn Thị Huyền. Đua thuyền, đấu kiếm, vật, cử tạ cũng không mang lại những thành tích đặc biệt nào. Đáng nói, đây đều là những môn thể thao Olympic và để giành được tấm vé tới Brazil, TTVN đã phải đầu tư rất nhiều. Do TTVN vẫn còn kém phát triển, các VĐV chưa có được thành tích đáng kể trên đấu trường quốc tế nên để có vé dự Thế vận hội, họ phải tích điểm thông qua việc thi đấu ở hàng loạt sân chơi quốc tế. Và để có được tấm vé qua cửa phụ, ngành thể thao phải đầu tư rất nhiều tiền bạc cho 23 VĐV giành vé đến Olympic. Nhưng, kết quả thu được chỉ là sự tỏa sáng của một mình Hoàng Xuân Vinh, còn những người còn lại đều không tạo ra được bất cứ dấu ấn nào về chuyên môn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là TTVN cần phải làm gì để có thể hội nhập với Olympic. Theo dõi bức tranh thể thao trong thời gian gần đây, người ta nhận thấy sự rối loạn về định hướng phát triển. Chúng ta hoạch định tầm nhìn hướng đến các môn thể thao Olympic nhưng lại chưa xây dựng được những luận cứ cho thấy những môn thể thao được đầu tư phù hợp với thể trạng con người Việt Nam và có thể giành được huy chương. Thêm nữa, ngành thể thao vẫn chưa đưa ra được những kế hoạch phát triển cho từng đấu trường riêng lẻ như SEA Games, ASIAD và Olympic. Bởi, khi xác định được từng mục tiêu ở những đấu trường khác nhau thì sự đầu tư của ngành thể thao sẽ không bị phân tán, lãng phí.

TTVN cần phải hướng đến sự hội nhập với những đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Nhưng, câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để có được thành tích tốt ở những đấu trường lớn? Nói cách khác, chưa nhà chuyên môn nào vạch ra được những môn thể thao phù hợp với con người Việt Nam và có thể giúp giành vinh quang ở Thế vận hội. Nhắc đến điều này là bởi, với hạn chế về thể hình, thể lực và sức bền thì TTVN khó có thể cạnh tranh ở những môn thể thao tốc độ và sức mạnh. Thế nhưng, với những môn vốn đề cao sự linh hoạt, khéo léo và không đòi hỏi nhiều về thể lực như bắn súng, TDDC, cầu lông, hay cử tạ, vật ở hạng cân thấp thì lại mang đến cơ hội cho các VĐV Việt Nam.

Nhìn rộng ra, Thái Lan, Philippines thường có huy chương ở các môn võ hạng cân thấp, Indonesia chiếm ưu thế ở cầu lông, Hàn Quốc nổi bật ở bắn súng, võ; Nhật Bản, Trung Quốc đặc biệt mạnh với những nội dung thuộc TDDC... Đây thực sự là bài học để ngành thể thao tính toán lại định hướng nhằm tránh việc bị dàn trải trong khi nguồn lực có hạn. Nếu không có được tầm nhìn đúng đến tương lai, TTVN sẽ mãi lâm vào cảnh ăn đong và khát vọng hội nhập với đấu trường Olympic vẫn xa vời.