Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thể thao Việt Nam hướng đến những đỉnh cao mới

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của thể thao Việt Nam là duy trì trong tốp ba đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, top 20 tại các kỳ Asiad và có huy chương tại Olympic. Trước mắt, thể thao Việt Nam hướng tới thành tích tốt tại SEA Games 33 trong năm 2025.

Chưa thể hài lòng

Theo báo cáo từ Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) năm 2024, thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 1.365 huy chương quốc tế ở các môn thể thao thành tích cao, trong đó có 542 HCV, 406 HCB và 417 HCĐ.

Một số thành tích nổi bật của ngành thể thao trong măm 2024 là: tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu giành HCĐ FIVB Challenger Cup, lần thứ 2 giành HCV Cúp bóng chuyền châu Á; tuyển futsal nữ Việt Nam lần đầu giành chức vô địch Đông Nam Á. Ở thể thao người khuyết tật, Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt chỉ tiêu khi tham dự Paralympic Paris với tấm HCĐ của lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49kg môn cử tạ.

Thể thao Việt Nam hướng đến nhiều mục tiêu trong năm 2025. Ảnh: Bùi Lượng
Thể thao Việt Nam hướng đến nhiều mục tiêu trong năm 2025. Ảnh: Bùi Lượng

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam khép lại năm 2024 không thành công ở đấu trường Olympic khi có kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp ra về tay trắng. Tại Olympic Paris 2024, Đoàn thể thao Việt Nam có 16 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao. Kết thúc đại hội, VĐV duy nhất đạt thành tích nổi bật của đoàn là xạ thủ Trịnh Thu Vinh với kết quả hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao.  

Nhìn nhận một cách khách quan, những thành tựu của thể thao Việt Nam trong năm 2024 mang đến sự hoài nghi về chiến lược đầu tư và định hình phát triển trong suốt thời gian qua.

Năm 2025, thể thao Việt Nam sẽ tham dự 3 đại hội thể thao quốc tế lớn, đặc biệt là SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 9 - 20/12. Đại hội tổ chức 50 môn, 104 phân môn, 569 nội dung. Mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là đứng top 3 SEA Games và nếu có thể là vào top 2. Các môn thể thao trọng điểm Olympic, Asiad giành vị trí top đầu tại Đại hội.

Cũng trong năm 2025, thể thao Việt Nam sẽ tham dự Đại hội thể thao trẻ châu Á diễn ra tại Bahrain vào tháng 10 hoặc 11. Đại hội thứ ba mà thể thao Việt Nam tham dự là Đại hội thể thao mùa Đông châu Á diễn ra từ ngày 7 - 14/2 tại Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) hội diễn ra 11 môn thi. Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến có 1 VĐV tham dự ở môn trượt băng tốc độ đường ngắn.

Định hướng xa cho Asiad và Olympic

Năm 2025, sự khởi sắc đã đến với thể thao Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm với thành tích của tuyến bóng đá nam với chức vô địch ASEAN Cup 2024. Dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik, tuyển Việt Nam thắng tuyển Thái Lan để giành chức vô địch thứ 3 trong lịch sử tại Đông Nam Á.

Điều đặc biệt, tuyển Việt Nam đã đánh bại “đại kình địch” sau 2 lượt trận thuyết phục và đăng quang ngay trên sân của đối thủ. Chức vô địch của bóng đá nam mang đến bàn đạp cho tuyển Việt Nam cũng như thể thao nói chung.

Tuyển Việt Nam mang đến sự khởi sắc ngay đầu năm 2025 với chức vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Ngọc Tú
Tuyển Việt Nam mang đến sự khởi sắc ngay đầu năm 2025 với chức vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Ngọc Tú

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189/QĐ-CP phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp ở các mảng, trong đó có thể thao thành tích cao. Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt khẳng định, năm 2025 là năm bản lề quan trọng của ngành thể thao. Đây là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện nhiều kế hoạch, từ đó chuẩn bị cho các mục tiêu dài hơi hơn kế tiếp là Asiad 2026 và Olympic năm 2028.

“Dù còn nhiều những thách thức, khó khăn, song toàn ngành thể thao quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ở cả công tác quản lý, điều hành và chuyên môn. Mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2025 được ngành thể thao đặt ra là giữ vững trong tốp đầu tại SEA Games 33 tổ chức ở Thái Lan. Trong đó, phấn đấu dẫn đầu các môn Olympic, Asiad” - ông Đặng Hà Việt cho biết.

Được biết, Cục Thể dục thể thao cũng thống nhất chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm từ năm 2025, bao gồm: bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn Asiad). 

Tại buổi gặp mặt tuyên dương tuyển Việt Nam sau thành tích ở ASEAN Cup 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra nhiệm vụ cho thể thao Việt Nam: “Thời gian tới, bóng đá và ngành thể thao nói chung phải tiếp tục phát triển, cùng dân tộc vươn mình phát triển văn minh, thịnh vượng. Muốn vậy, những người làm thể thao, làm bóng đá không say sưa với thắng lợi mà phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để phát triển thể thao đỉnh cao. Mục tiêu cho bóng đá Việt Nam nỗ lực vô địch châu Á và tham dự World Cup”.