Chờ đợi tín hiệu khởi sắc hơn
Năm 2024, thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra và thực hiện nhiều chương trình, hoạt động góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, để tạo nên sự đột phá cũng như hướng tới phát triển bền vững, thể thao Việt nam cần tháo gỡ những vướng mắc, trong đó việc đào tạo vận động viên (VĐV), hoàn thiện cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng là bài toán chưa có lời giải.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt khẳng định, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, dinh dưỡng cho VĐV tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ. Trong 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, chỉ có trung tâm tại TP Hồ Chí Minh được trang bị hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện được coi là tạm được. Trong khi đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để định lượng dinh dưỡng cho VĐV ở từng môn cũng chưa thể áp dụng do khó khăn cả về nguồn lực và nhân lực. Đội ngũ nhân viên y tế ở mỗi trung tâm không thể đáp ứng nhu cầu hồi phục, chữa trị của từng đội tuyển.
Các trung tâm huấn luyện thể thao địa phương cũng gặp vô vàn khó khăn. Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội không có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, đội ngũ nhân viên y tế chỉ có vài người phục vụ cho khoảng 3.000 VĐV...
Thực tế, bên cạnh việc đi tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục, trang thiết bị hồi phục tốt, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho VĐV… là yếu tố tiên quyết để hướng tới thành tích cao và lâu dài. Cục Thể dục thể thao kỳ vọng, trong năm 2025 sẽ tạo ra được tín hiệu khởi sắc hơn nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, qua đó duy trì thành tích ổn định ở Olympic, Asiad thay vì tụt lùi như thời gian qua, mới nhất là việc “trắng tay” trong 2 kỳ Olympic gần đây sau khi giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio năm 2016.
Tập trung cho nhóm môn Asiad, Olympic
Nhìn lại 2024, thể thao Việt Nam cũng có những thành tích đáng ghi nhận như tuyển futsal nữ Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á; 16 VĐV (11 môn thể thao) giành suất tham dự Olympic Paris 2024, VĐV bắn súng Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 lần vào chung kết (10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao); đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành HCĐ thế giới và lần thứ hai giành HCV Cúp bóng chuyền châu Á…
2025 là năm đầu tiên thể thao thành tích cao Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 với hàng loạt mục tiêu quan trọng. Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho rằng, năm 2025, mục tiêu trọng tâm của thể thao Việt Nam là đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham dự 3 đại hội thể thao lớn, trong đó đặt mục tiêu vào tốp 3 SEA Games 33.
"Đấu trường SEA Games 33 diễn ra vào tháng 12 tại Thái Lan có tổng cộng 574 bộ huy chương, với 53 môn thi đấu. Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến tham dự tranh 422 bộ huy chương với 757 VĐV. Theo Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, thể thao Việt Nam phải ổn định trong tốp 3 đến năm 2030, đặt mục tiêu cao cho SEA Games, đặc biệt là những môn thuộc Olympic" - ông Đặng Hà Việt nói.
Từ năm 2025 - 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ Asiad và 11 kỳ SEA Games. Nhiệm vụ chuyên môn và giải pháp để hiện thực các mục tiêu thành tích là rất nhiều nên ngành thể thao phải đầu tư từng đối tượng phù hợp, nhóm môn trọng điểm để hiện thực khát vọng nâng tầm thành tích tại các đấu trường Asiad, Olympic.
Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh cho biết, dựa trên thực tế về lực lượng và khả năng tranh chấp huy chương của các môn, Cục Thể dục thể thao đã thống nhất chọn 17 môn trọng điểm để thể thao Việt Nam tập trung đầu tư, gồm: bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, quyền Anh (boxing), taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền (thuộc nhóm Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm Asiad). Việc xây dựng nhóm môn mục tiêu, đầu tư cụ thể để hướng vào thành tích cao và đây là môn trọng điểm nhằm tạo ra sự khác biệt.