Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế và lực của đất nước đang lên

Trâm Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được đặt ra trên nền tăng trưởng kinh tế cao ở mức 8% của năm 2022. Mục tiêu này đặt ra là có cơ sở, xuất phát từ những kết quả, bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã có từ thời kỳ đối phó với dịch Covid-19.

Chia sẻ cùng báo Kinh tế & Đô thị, các chuyên gia đã bày tỏ sự tin tưởng với cơ cấu sản xuất tương đối ổn định, vốn cho đầu tư công cao... và những giải pháp điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2023 chắc chắn sẽ có nhiều gam màu sáng.

Thế và lực của đất nước đang lên - Ảnh 1

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - TS Võ Trí Thành: Tận dụng tối đa nguồn nội lực

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Những con số đã nói lên điều đó và ngay cả các định chế quốc tế, các tổ chức uy tín, đa quốc gia cũng đều ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được. Thế và lực của đất nước đang mạnh lên. Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã khai thác tốt nội lực, thu hút được làn sóng đầu tư, tận dụng tốt cơ hội để tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng trưởng rất ấn tượng.

Chúng ta có thị trường nội địa thuộc vào hàng quy mô lớn trên thế giới, đồng thời Việt Nam cũng thâm nhập các thị trường quốc tế khá tốt. Chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch luôn cao.

Đặc điểm của Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên cũng đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ khi kinh tế khó khăn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, không phải tư liệu sản xuất nên khi suy thoái vẫn tiêu thụ được, dù mức tiêu thụ có giảm. Đó là những cơ sở để chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm tới.

Thế và lực của đất nước đang lên - Ảnh 2

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - TS Nguyễn Quốc Việt: Thúc đẩy tự do kinh doanh

Năm 2022, chúng ta đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, một chỉ tiêu không đạt là tăng năng suất lao động. Cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, Việt Nam cần phải tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Để làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ góp phần giảm nhiều rủi ro và chi phí cho DN, qua đó tạo động lực cho DN nâng cao năng suất lao động.

Thế và lực của đất nước đang lên - Ảnh 3

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB Albert Park: Tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ

Mức tăng trưởng cao năm 2022 của Việt Nam góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trung hạn. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch, tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa... Cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này, để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; hồ sơ giải ngân, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022. Các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế. Tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ là điều kiện để ADB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế cao ở các nước như Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2023.

Thế và lực của đất nước đang lên - Ảnh 4

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công

Năm 2022, mặc dù chúng ta đã đạt được một số thành tích nhất định nhưng không nên vì thế mà quá lạc quan, bởi những thách thức và những “cơn gió ngược” vẫn còn phía trước. Lạm phát toàn cầu mặc dù được dự báo là đã đạt đỉnh và có thể cuộc chạy đua về tỷ giá và lãi suất không còn căng thẳng như năm 2022, nhưng nó chưa thể chấm dứt trước khi các nước kiềm chế được lạm phát. Do vậy, việc duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể vẫn được tiếp tục trong năm 2023.

Đầu tư công tiếp tục được xem là một động lực cho phát triển nền kinh tế mà nếu đột phá được việc giải ngân, Việt Nam sẽ không chỉ giải quyết được bài toán dài hạn về hạ tầng, nhân lực, công nghệ, mà còn xử lý được vấn đề ngay trước mắt là mất cân đối trong thị trường tiền tệ.

Phải giải quyết các vấn đề thị trường chứng khoán, bất động sản, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN… Đó là những động thái quan trọng, giúp nền kinh tế có thể chuẩn bị bước vào năm 2023 với tâm thế vững vàng hơn.

Thế và lực của đất nước đang lên - Ảnh 5

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực: Chủ động khai thác tốt các cơ hội kinh tế

Năm 2023 Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng.

Thực tiễn cho thấy, cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu DN, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của DN. Đồng thời, chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới.