Như vậy, riêng tại Thượng Hải đã có 13 ca tử vong vì cúm gia cầm H7N9 trong tổng số 33 ca nhiễm bệnh. Thượng Hải cũng ghi nhận 11 người hồi phục và được ra viện.
Một bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 (giữa) chuẩn bị xuất viện ngày 19/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, ở tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc), đã có thêm một bệnh nhân được ra viện sau quá trình điều trị. Đây là trường hợp hồi phục thứ ba của tỉnh này dù trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, một nhóm nghiên cứu chung do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và Tổ chức Thú y Thế giới tổ chức đã kết luận các sản phẩm từ gia cầm vẫn an toàn với người tiêu dùng nếu được xử lý và nấu đúng cách.
Nhóm nghiên cứu trên khẳng định đến thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy có thể nhiễm virus cúm gia cầm nguy hiểm H7N9 qua ăn thịt hay trứng gia cầm. Sau khi dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, chính phủ nước này đã yêu cầu tiêu hủy gia cầm ở một số khu vực có dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ virus H7N9 xuất hiện trong hệ thống thực phẩm tiêu thụ của người dân.
Trước đó, một số chuyên gia y tế Trung Quốc cũng nhận định các sản phẩm từ gia cầm vẫn rất an toàn nếu được nấu chín. Theo họ, virus sẽ bị tiêu diệt trong vòng hai phút sau khi nhiệt độ đạt 100 độ C hoặc trong nửa tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 60 độ C.