Đây là mức tăng trưởng kỷ lục của tín dụng trong vòng 6 năm trở lại đây.
Thanh khoản dồi dàoTrong tuần cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng đã giảm lần lượt 85 điểm cơ bản, 71 điểm và 49 điểm xuống tương ứng 1,65%, 2,11%, và 3,2%. Tuần vừa qua là tuần kết thúc quý II/2017 - là thời điểm các ngân hàng cần phải đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh cũng như các hệ số an toàn vốn. Tuy nhiên, nhờ thanh khoản dồi dào mà lãi suất liên ngân hàng không tăng mà thậm chí giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 2.Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ngừng hoạt động thị trường mở, chỉ hút về 5 tỷ đồng đã phát hành tuần trước. Mặc dù không sử dụng công cụ OMO, song NHNN vẫn gián tiếp bơm tiền ra hệ thống thông qua việc mua vào ngoại tệ cho dự trữ trong thời gian qua giúp duy trì thanh khoản hệ thống. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD. Đây tiếp tục là mức cao nhất từ trước tới nay.Hoạt động kiểm ngân tại chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo nhận định của SSI Retail Research, khi NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn cung nội tệ được bơm ra giúp tăng thanh khoản. Những nguồn lực này đã hỗ trợ thanh khoản hệ thống, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng tín dụng, dù huy động từ dân cư chỉ tăng trưởng thấp. Thậm chí một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào tiếp tục rót vốn mạnh vào thị trường trái phiếu. Lượng cầu trái phiếu Chính phủ gấp 3 - 4 lần số trái phiếu mà Kho bạc Nhà nước chào bán đã phản ánh tình trạng thanh khoản dồi dào của thị trường.
Kiểm soát chất lượng tín dụngVới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như hiện nay, khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh cuối năm, tuy nhiên, để tránh nguy cơ xuất hiện “bong bóng” tín dụng, các chuyên gia khuyến cáo các tổ chức tín dụng cần thận trọng cơ cấu nguồn vốn vay, đồng thời không nên chạy đua tín dụng, dễ dãi trong thẩm định phương án sản xuất của DN hay khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Ngành NH cũng đang đứng trước yêu cầu đặt ra của quá trình tái cơ cấu là đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không quá 3% tổng dư nợ. Vì vậy, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư vào bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, loại hình DN nào, kể cả các chương trình tín dụng chính sách cũng phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn.Thống kê của NHNN, 6 tháng qua, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với DNVVN chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tăng 9,9% so với cuối năm 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 7,06%, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ước khoảng 32.339 tỷ đồng.Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, những tháng tiếp theo, NHNN sẽ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát việc cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.Nếu như lạm phát và tỷ giá tiếp tục ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành thì các ngân hàng càng có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành. TS Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) |