Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với một loạt các giải pháp đồng bộ đang được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương triển khai, kỳ vọng cầu nội địa sẽ được cải thiện, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Điểm sáng thị trường nội địa

Thông tin từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 tăng 10,9%, thấp hơn so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,9% và doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,3%.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm điện máy tại Mediamart Ảnh: Lê Nam
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm điện máy tại Mediamart Ảnh: Lê Nam

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 ước đạt 3.016,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng năm 2022 (đạt 2.7149, 8 nghìn tỷ đồng) cho thấy sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn.

Bộ Công Thương nhận định: Thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại xét về tổng thể còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực thị trường nông thôn dẫn đến chi phí trung gian của DN, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc.

Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Do kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.

Giảm thuế VAT hàng hóa thiết yếu, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Ảnh minh họa
Giảm thuế VAT hàng hóa thiết yếu, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho DN vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực DN, đặc biệt DN sản xuất. Việc ứng phó với các cú sốc bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt; chưa chủ động trong công tác đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách.

Trong một số trường hợp, đôi lúc còn chưa theo kịp thực tiễn trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.

Kích cầu đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp

Để thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa, nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu. Trước tiên là triển khai giảm, miễn, giãn hoãn thuế; giảm các loại phí như: Thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm 2% đối với những nhóm hàng hóa dịch vụ áp dụng thuế suất thuế VAT là 10%. Chính sách này đối với người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp vì làm giảm chi phí tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.

Đối với DN, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc giảm thuế VAT có 3 tác động lớn đó là: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn. Ngoài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ cũng thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Đề cập giải pháp kích thích tiêu dùng, Trưởng Khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh đề xuất: Chính phủ cần nâng mức trợ trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm VAT hàng thiết yếu. "Ưu điểm của giải pháp kích thích tiêu dùng này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu; vừa là chính sách tạm thời, vừa là chính sách lâu dài, ít tác động phụ" - ông Phạm Thế Anh khẳng định.

Về phía Bộ Công Thương đã mục tiêu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8 - 9%.

Cùng với đó, tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Ngoài ra, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch. Song song đó tiếp tục đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và những nền tảng mới nhằm tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.