Thêm một lời khẳng định giá trị làng cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/2, Văn phòng UNESCO Việt Nam đã trao giải Công trạng trong Giải thưởng về Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho dự án bảo tồn nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.

Đúng như “người trong cuộc” bảo tồn di sản nói, giải thưởng sẽ “trợ sức” để chiến thắng những thách thức đang hiện hữu trong việc bảo tồn ngôi làng cổ này.

 Tôn vinh 5 công trình ở làng cổ

Giải thưởng này là thành quả mà Dự án bảo tồn nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm đã làm được với sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực lẫn phương pháp bảo tồn các công trình cổ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). 5 công trình được nhận giải bao gồm: Cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh, hai căn nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng và ông Hà Văn Vĩnh. Ai cũng nhìn thấy giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa lịch sử của 5 công trình trên, đặc biệt là trong bối cảnh làng cổ đang bối rối trước con đường bảo tồn đầy chông gai trước mắt. Không chỉ thế, 5 công trình này còn đáp ứng đầy đủ tiêu chí đánh giá của UNESCO để được tham gia vào việc xét giải là: Có tuổi thọ tối thiểu 50 năm, đồng thời đã được sử dụng ít nhất 1 năm sau khi bảo tồn. Theo đánh giá của UNESCO và chuyên gia Nhật Bản, Dự án bảo tồn nhà cổ Đường Lâm  đã trở thành một mô hình đáng chú ý cho những nỗ lực bảo tồn tại các vùng nông thôn khác ở Việt Nam trong tương lai.
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao thưởng cho đại diện của làng cổ Đường Lâm.     Ảnh: Phạm Kiên
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao thưởng cho đại diện của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Phạm Kiên
 
“Trước lễ trao giải này, sáng 17/3, chúng tôi đã gắn biển cho 5 công trình này tại làng Đường Lâm. Đây sẽ là bước chuyển tiếp để UBND thị xã Sơn Tây trình lên Chính phủ công nhận làng cổ Đường Lâm là Di sản cấp quốc gia đặc biệt; tiến đến làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm việc phát huy giá trị làng cổ - điều chưa làm được nhiều ở Đường Lâm bấy lâu nay”.

Ông Phạm Vũ Nhật Thăng Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được nhận giải thưởng Bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO. Giải thưởng thường niên này đã ghi tên Dự án hợp tác bảo tồn phố cổ Hội An với Nhật Bản năm 2000; Dự án bảo tồn 6 kiến trúc nhà cổ tại Bắc Ninh, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Tiền Giang, Đồng Nai năm 2004 và Dự án bảo tồn nhà thờ họ Tăng tại Hội An năm 2009. Tuy nhiên, giải thưởng lần này đã được “chọn mặt gửi vàng” từ 47 công trình của 16 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và Việt Nam vinh dự nhận được 2 trong tổng số 11 giải thưởng của năm. Ngoài Dự án bảo tồn nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm được trao giải Ưu tú (giải thưởng được xếp theo 4 cấp độ: Đặc biệt, xuất sắc, ưu tú, danh dự), còn có Dự án khôi phục hầm trú ẩn ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội được trao giải Danh dự.

Tại lễ trao giải, lãnh đạo Bộ VHTT&DL và Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - bà Katherine Muller Marin đều khẳng định: Giải thưởng này là sự ghi nhận của UNESCO về giá trị của làng cổ Đường Lâm, công sức người dân trong việc bảo tồn làng cổ và sự hợp tác của trường ĐH nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản). Giải thưởng dành cho các công trình đơn lẻ, nhất là 2 ngôi nhà của cá nhân sẽ nhân lên truyền thống bảo tồn của cả dòng họ ở làng cổ Đường Lâm.

Chiến thắng thách thức

Chia sẻ về làng cổ Đường Lâm trong lễ trao giải sáng 18/2, ông Shimizu Akira - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, làng cổ Đường Lâm có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch di sản. Với những gì đã và đang làm để bảo tồn ngôi làng này, các chuyên gia Nhật Bản nuôi hy vọng phát triển sinh kế và điều kiện sống của dân làng thông qua việc tận dụng các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, làng cổ vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức. Một trong số đó là làm sao bảo tồn được các ngôi nhà cổ truyền thống, đang bị xuống cấp do thời gian. Thêm nữa là làm sao để cân bằng việc bảo tồn các giá trị truyền thống với việc nâng cao chất lượng sống cho người dân trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Đây là một vấn đề không thể làm ngơ mà làng cổ Đường Lâm cần giải quyết để có thể mở ra con đường đến với danh hiệu Di sản thế giới mà Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm đã vạch ra.

Đầy tự tin, ông Shimizu Akira cho biết: “Giải thưởng này, với thành tựu của nó trong việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật, đã mở ra một cánh cửa mới cho làng cổ Đường Lâm chiến thắng những thách thức. Tôi hy vọng nỗ lực này sẽ tạo nên một ảnh hưởng tích cực đối với người dân địa phương trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống trong tương lai. Và tôi cũng mong muốn sẽ được thấy kinh nghiệm ở Đường Lâm được lan truyền xa hơn đến các làng truyền thống và phố cổ ở Việt Nam”. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần