Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục có thêm một phiên giao dịch biến động với sự trồi sụt trong bối cảnh thị trường bị ám ảnh về vụ rắc rối mới nhất của hãng Boeing sau khi có tin chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways phải hạ cánh khẩn cấp ở Nhật Bản.
Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là ANA và Japan Airlines đã phải cho ngừng toàn bộ các chuyến bay bằng chuyên cơ 787 để kiểm tra độ an toàn, động thái theo sau một loạt sự cố xảy ra với các máy bay Boeing 787 thời gian gần đây.
Hôm qua, cổ phiếu của ngân hàng Goldman Sachs đã tăng tới 4,1% lên 141,09 USD, mức giá cao nhất kể từ tháng 5/2011 sau khi hãng công bố doanh thu tăng gần gấp ba lần trong quý cuối cùng của năm 2012. Cổ phiếu của JPMorgan Chase cũng tăng 1% lên 46,82 USD sau khi cho biết lãi ròng quý 4/2012 tăng 53%.
Thêm một phiên trồi sụt của chứng khoán Mỹ
Đây là hai trong số những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đưa ra báo cáo sớm nhất về tình hình kinh doanh trong quý 4/2012. Với kết quả lạc quan này, nhiều chuyên gia phân tích đã nâng dự báo về kết quả doanh lợi của khối doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500.
Cũng trong ngày hôm qua, cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad đột ngột tăng mạnh trở lại lên trên 500 USD/ cổ phiếu. Cụ thể, cổ phiếu của Apple tăng 4,2% lên 506,09 USD. Phiên giao dịch liền trước, giá cổ phiếu này đã rớt xuống dưới 500 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2 của năm ngoái.
Tuy nhiên, có vẻ như báo cáo kinh doanh của Golman Sachs, JPMorgan Chase và sự đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu Apple vẫn chưa đủ vực dậy thị trường. Do đó, tới chốt phiên giao dịch chứng khoán 16/1, trong khi S&P 500 và Nasdaq quay đầu tăng điểm thành công, thì chỉ số công nghiệp Dow Jones lại chuyển sang màu đỏ.
Đóng cửa phiên 16/1, ba chỉ số chính của Phố Wall tăng giảm trái chiều, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 23,66 điểm (0,17%) xuống 13.511,23 điểm, hệ quả của việc cổ phiếu của Boeing sụt giảm tới 3,4% trong phiên; S&P 500 tiến 0,29 điểm (0,02%) lên 1.472,63 điểm, và Nasdaq Composite tăng 6,77 điểm (0,22%) lên 3.117,54 điểm.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến thị trường tiếp tục giằng co như những phiên trước, là do Ngân hàng Thế giới hôm 15/1 đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, sự cố liên tiếp với dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner khiến cổ phiếu Boeing giảm 3,4%, cũng tác động kéo lùi Dow Jones.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,45 tỷ cổ phiếu trong năm 2012. Số mã cổ phiếu giảm giá vượt trội số tăng trên sàn giao dịch New York với tỷ lệ 8/7, sàn Nasdaq là 7/5.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại thị trường châu Âu, các thị trường chứng khoán trong khu vực cũng biến động trái chiều, do tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan trước triển vọng xấu đi của kinh tế toàn cầu sau khi Ngân hàng thế giới (WB) và Đức đồng loạt cắt giảm các dự báo về tăng trưởng kinh tế của các nước trong năm 2013.
Thị trường còn chịu sức ép trước thông tin dẫn lời Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, người đồng thời đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), cho biết giá trị của đồng euro đang "ở mức rủi ro cao."
Tuy nhiên, việc sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng được 0,3% trong tháng 12/2012 (cao hơn dự kiến) đã phần nào hỗ trợ lại cho thị trường.
Đóng cửa phiên 16/1, FTSE 100 của Anh lùi 0,22% xuống 6.103,98 điểm; DAX 30 của Đức tiến 0,20% lên 7.691,13 điểm và CAC 40 của Pháp tăng 0,30% lên 3.708,49 điểm.
Cùng xu hướng biến động trái chiều với phiên hôm trước trên các thị trường Mỹ và châu Âu, chứng khoán châu Á mở cửa phiên 17/1 cũng tăng giảm trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi báo cáo về tăng trưởng kinh tế quý 4/2012 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, các cổ phiếu Trung Quốc mở cửa phiên để mất ngay 0,43% trong khi hai thị trường chủ chốt còn lại là Hong Kong và Nhật Bản lại lần lượt tăng 0,49% và 0,57%.
Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang cố phán đoán xem liệu đồng yên có tiếp tục yếu đi sau đợt mất giá kéo dài thời gian gần đây không.