VAMC tăng quyền, ngân hàng tăng lợi
Sau một thời gian dài ngóng đợi, Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC vừa chính thức được ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/4. Theo đó, VAMC sẽ được gỡ vướng, thêm quyền và bổ sung “lực”.
Các chuyên gia và lãnh đạo VAMC cho rằng, cần có một bộ luật xử lý nợ xấu
Thứ nhất, vốn điều lệ của VAMC sẽ tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Số vốn này dẫu còn ít ỏi, song cũng giúp nâng vị thế tài chính cho VAMC khi mua bán nợ, nhất là khi giao dịch với các tổ chức tài chính trong nước cũng như quốc tế.
Thứ hai, VAMC được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu theo giá thị trường. Thay vì chỉ được mua tối đa 70% giá trị khoản nợ, VAMC được mua 100% giá trị khoản nợ theo giá thị trường. Tất nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn không được cầm “tiền tươi”, mà chỉ nhận được trái phiếu đặc biệt, nhưng có thể dùng để tham gia thị trường mở (OMO) thay vì chỉ dùng để xin tái cấp vốn như trước.
Thứ ba, các ngân hàng cũng được linh hoạt hơn về trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC. Theo đó, thời gian trích lập sẽ được “nới” từ 5 năm lên 10 năm với ngân hàng tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính. Quy định này sẽ giúp các ngân hàng yếu có thời gian để “hồi sức”.
Thứ tư, VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại tòa án. VAMC cũng sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ trong quá trình thi hành án. Đồng thời, VAMC không phải đăng ký thay đổi với bên nhận bảo đảm trong hợp đồng đảm bảo... Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho VAMC trong quá trình xử lý các món nợ đã mua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy định mới sẽ giúp VAMC có toàn quyền xử lý nợ. Trong khi đó, các ngân hàng cũng có nhiều quyền lợi hơn khi bán nợ. “Tôi nghĩ rằng, việc được bổ sung thêm quyền năng tương đối quan trọng như vậy sẽ hỗ trợ tích cực cho VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu thời gian tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét.
Bán nợ - nhắm vào nhà đầu tư nước ngoài
Năm 2015, việc thực hiện chỉ tiêu mua 80.000 tỷ đồng nợ xấu với VAMC không phải khó khăn, bởi Ngân hàng Nhà nước đã áp chỉ tiêu bán nợ với từng ngân hàng. Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là bán nợ và xử lý khoản nợ đã mua.
Hơn 120.000 tỷ đồng nợ xấu mua về tính đến hết năm 2014 vẫn “xếp kho”, phần nào cho thấy những bế tắc trong xử lý nợ xấu mà lãnh đạo VAMC đã nhiều lần lên tiếng, nhất là các vướng mắc về xử lý tài sản, quyền định đoạt tài sản, bất động sản; tranh chấp, kiện tụng.
Với Nghị định 34, tốc độ xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ nhanh hơn, bởi ngoài việc được trao thêm quyền định đoạt tài sản, VAMC còn được “yểm trợ” bởi nhiều cơ quan trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… cũng phải vào cuộc hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp đã ký kết Quy chế Phối hợp trong thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng, với mục đích giúp các tổ chức tín dụng tăng thu hồi nợ xấu, giảm tỷ lệ tồn đọng thi hành án dân sự.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 34 cũng chỉ mới gỡ vướng tạm thời, sự thành công của VAMC trong xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhất là sự “nhiệt tình” của các cơ quan liên quan khác. Về lâu dài, để xử lý triệt để nợ xấu, các chuyên gia và lãnh đạo VAMC cho rằng, cần có một bộ luật xử lý nợ xấu. Bộ luật này có thể chỉ có hiệu lực trong vòng 3-5 năm, nhưng khi được luật hóa, VAMC mới có “bảo kiếm” để xử lý triệt để nợ xấu.
Liên quan đến vấn đề bán nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho hay, một trong những hướng bán nợ mà VAMC đưa ra là bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Được biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư FDI ngỏ ý mua nợ xấu Việt Nam, song chưa thật yên tâm với những cơ chế pháp lý, đặc biệt là quyền sở hữu với các khoản nợ xấu./.
Ảnh minh họa.
|