Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm tín hiệu lạc quan từ đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài phát biểu rạng sáng ngày 16/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra những nhận định tích cực về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga.

Hòa đàm Nga-Ukraine đang theo hướng “thiết thực hơn”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lạc quan về các cuộc đàm phán với Nga. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lạc quan về các cuộc đàm phán với Nga. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quan điểm trong cuộc đàm phán hòa bình Ukraine - Nga đã trở nên thực tế hơn nhưng cần thêm thời gian để quyết định.

Trong bài phát biểu rạng sáng ngày 16/3, Tổng thống Zelensky nói rằng đã có những tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga về giải pháp cho cuộc xung đột quân sự. “Những cuộc gặp tiếp tục diễn ra và tôi được báo cáo rằng những quan điểm trong các cuộc đàm phán đã trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để đưa ra những quyết định vì lợi ích của Ukraine," ông Zelensky nói.

Trước đó hôm 15/3, Ukraine và Nga đã nối lại vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến, sau ba vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus. Sáng ngày 16/3, ông Mykhailo Podolyak, thành viên trong đoàn đàm phán của Ukraine và là Cố vấn của Tổng thống Ukraine, viết trên Twitter rằng quá trình đối thoại là rất khó khăn vì có những “mâu thuẫn nền tảng” nhưng chắc chắn là có cơ sở cho sự thỏa hiệp.

Ông Podoliak cho hay vòng đàm phán thứ tư bằng hình thức trực tuyến sẽ tiếp tục trong ngày 16/3. Một phụ tá khác của Tổng thống Ukraine Ihor Zhovkva, nói rằng các cuộc đàm phán với Nga đã “mang tính xây dựng hơn” và Moscow không còn đưa ra yêu cầu Ukraine phải đầu hàng.

Phía Nga cũng gửi đi tín hiệu về sự tiến triển trong đàm phán giữa hai nước. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/3 thông báo đối thoại sẽ tiếp tục về nội dung đưa Ukraine thành nước trung lập về quân sự, đi kèm những đảm bảo an ninh cho tất cả các bên liên quan, và về việc phi quân sự hóa Ukraine.

Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Yuri Pilipson ngày 16/3 tuyên bố, Nga sẵn sàng tham gia bất kỳ hình thức đối thoại nào về Ukraine, nếu điều đó có thể giúp tìm kiếm các giải pháp ngoại giao. Phát biểu với Sputnik, ông Yuri Pilipson nêu rõ: “Cho đến nay, 3 vòng đàm phán Nga-Ukraine đã được tổ chức tại Belarus và quá trình đàm phán vẫn tiếp tục. Ngay từ đầu, chúng tôi tuyên bố sẵn sàng tham gia bất cứ hình thức thảo luận nào nếu chúng giúp tìm kiếm các giải pháp ngoại giao hòa bình, tất nhiên phải xem xét lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi một cách vô điều kiện và đáp ứng yêu cầu về an ninh đã được Tổng thống Putin đưa ra”.

NATO sẽ họp thượng đỉnh bất thường về Ukraine

Theo Kyodo, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào 24/3 tới để thảo luận về tình hình xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường của NATO vào ngày 24/3 tới. Ảnh: DW
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường của NATO vào ngày 24/3 tới. Ảnh: DW

Trong cuộc họp vào tuần tới tại Brussels, các thành viên của NATO sẽ khẳng định "cam kết vững chắc" đối với liên minh trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm gia tăng lo ngại về cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể tàn phá châu Âu.

Viết trên trang Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay cuộc họp sẽ thảo luận về "sự ủng hộ mạnh mẽ" đối với Ukraine. Các thành viên NATO cũng sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của NATO.

Theo kế hoạch, trong ngày 16/3, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO cũng nhóm họp để đưa ra các quyết định quan trọng mang tính dài hạn như tăng cường lực lượng, lắp đặt thiết bị quân sự và triển khai các hệ thống phòng không và không gian mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov dự kiến sẽ phát biểu tại cuộc họp.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, nhưng đã từ chối đưa quân đội Mỹ tới nước này do lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga và gây ra "Thế chiến III". Tuy nhiên, Washington tuyên bố sẽ bảo vệ từng centimet lãnh thổ NATO dựa trên nguyên tắc phòng thủ tập thể.

Theo thông báo của Nhà Trắng, trong chuyến đi sắp tới, ông Biden cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu để thảo luận về các biện pháp nhằm gây sức ép kinh tế với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng và giải quyết các thách thức khác liên quan đến xung đột tại Ukraine.