Thêm tín hiệu vui cho nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu thụ trong nước, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) 4 tháng đầu năm 2015 đã tăng cao trở lại. Đây là một trong những điểm nhấn và cũng là tín hiệu khả quan cho cả năm nay.

Góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế

Sau khi tăng cao với tốc độ hai chữ số trong suốt một thập kỷ (từ năm 2001 đến năm 2010), TMBL đã tăng thấp hẳn từ 2011 đến 2014 với tốc độ tăng bình quân năm chưa bằng một nửa trong 10 năm trước và thấp hơn cả tốc độ tăng GDP tương ứng trong thời kỳ này. Đây là một trong những yếu tố đã tác động về hai mặt. Một mặt, với ý nghĩa tiêu thụ là yếu tố của tổng cầu và quan hệ cung- cầu là yếu tố của lạm phát, thì tốc độ tăng của TMBL chậm lại đã kéo giá tiêu dùng (CPI) từ 2012 - 2014 chậm lại so với thời kỳ 2001 - 2011 (6,63%/năm so với 9,35%/năm). 
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
Mặt khác, với ý nghĩa tiêu thụ nói chung và tiêu thụ trong nước nói riêng là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, thì với tốc độ tăng TMBL chậm lại, cũng làm cho tốc độ tăng GDP của thời kỳ 2012- 2014 cũng thấp  hơn của thời kỳ 2001 - 2010 (5,72%/năm so với 6,82%/năm).

Từ nửa cuối năm 2014, đặc biệt là trong 4 tháng đầu năm nay, diễn biến của TMBL đã có ba điểm đáng chú ý. Rõ nhất là tốc độ tăng TMBL đã có xu hướng cao lên và trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng với tốc độ cao nhất so với nhiều quý trước đây. Tốc độ tăng TMBL đã cao hơn tốc độ tăng GDP; đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng cao lên (quý I năm nay tăng 6,03%, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ trong 4 năm trước), trong đó tăng trưởng GDP công nghiệp đạt khá cao sau nhiều quý. Đây cũng là tín hiệu khả quan làm cho mục tiêu GDP năm nay tăng cao hơn năm trước có tính khả thi.
Thêm tín hiệu vui cho nền kinh tế - Ảnh 1
Nguồn: Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Ngành bán lẻ hàng hoá (thương nghiệp thuần túy) quyết định tốc độ tăng chung do tăng cao hơn (9,7%), do chiếm tỷ trọng cao nhất (76,5%). Điều đó là phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của dân cư phần nhiều còn thấp, hiện nay vẫn tập trung cho các loại hàng hoá vật chất, phù hợp với đối tượng tiêu dùng là nông dân, dân nghèo thành thị có mức sống chưa cao. Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình bước đầu chiếm tỷ trọng khá (11,2%), nhưng tăng với tốc độ thấp (2,5%) do có một bộ phận dân cư đã “tự túc” nhiều hơn, ít ăn ngoài gia đình hơn. Ngành dịch vụ khác chiếm tỷ trọng khá hơn (11,5%) và tăng với tốc độ cao nhất (11,6%), do trong dân cư, bộ phận trung lưu có thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán cao đã tăng lên. Đây là xu hướng chung của những nước chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao hơn, cùng những khu đô thị có tốc độ tăng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng của sản xuất. Tuy nhiên, mặc dù là mùa lễ hội có những đợt nghỉ dài, nhưng trong 4 tháng năm nay, du lịch vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,8%) và bị giảm (13,1%). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh (12,2%, tương đương giảm 175.000 lượt người) so với cùng kỳ năm trước.
Cân nhắc đến tổng cầu của nền kinh tế

Tuy TMBL tăng cao trở lại với tốc độ khá, nhưng tổng cầu vẫn còn yếu. Đây lại là yếu tố tác động tiêu cực đối với sản xuất kinh doanh. Điều đó có thể lý giải tại sao trong 4 tháng đầu năm nay, tuy số DN thành lập mới (trên 28,2 ngàn DN) tăng 9,7%, số DN quay trở lại hoạt động tăng (6316 DN, tăng 7,2%), nhưng số DN hoàn tất thủ tục giải thể còn lớn (3.249 DN), số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động còn lớn và tăng (19.035 DN, tăng 4,5%). Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tăng xuất khẩu, cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán để tăng tiêu thụ trong nước để tăng tổng cầu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn. Cũng cần lưu ý trong việc điều chỉnh giá do các ngành, DN ở vị thế độc quyền theo cơ chế thị trường cần rất cẩn trọng cả về liều lượng, thời điểm; cần có sự giám sát kiểm tra và phối hợp chặt chẽ... Nếu không với thực trạng tổng cầu vốn còn yếu, việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ càng làm cho tổng cầu yếu thêm. Đơn giản, vì cùng một lượng tiền, nếu giá tăng thì lượng mua giảm, nếu không thể giảm được lượng mua loại hàng đó thì giảm lượng mua các loại hàng khác và kéo giá chung xuống. Điều này lại xảy ra trong điều kiện thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát, chỉ số giá nhập khẩu giảm.