Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm ưu đãi cho chủ đầu tư và người mua

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng ngày 14/12, tại Bộ Xây dựng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2013 - 2015 giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV.

Thỏa thuận này sẽ mang lại cho chương trình NƠXH 30.000 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ.
 
Gỡ khó cho thị trường 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo cam kết cụ thể giữa Bộ và BIDV, gói tín dụng trung và dài hạn này sẽ không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn dành cho người mua NƠXH. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang cùng Bộ Tài chính xây dựng các biện pháp tài khóa, các địa phương cũng cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, gói tín dụng này có hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào tình hình lãi suất. 

Thêm ưu đãi cho chủ đầu tư và người mua - Ảnh 1
Khu nhà ở thu nhập thấp Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) đang được hoàn thiện. Ảnh: Hồng Thái
Trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, doanh số cho vay tối đa với chủ đầu tư thực hiện dự án là 10.500 tỷ đồng; mức cho vay tối đa 70% trên tổng mức đầu tư của dự án, lãi suất cho vay bằng lãi suất của BIDV, thời gian vay tối đa 5 năm. Đối với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa 19.500 tỷ đồng; mức cho vay tối đa 85% giá trị căn nhà, lãi suất cho vay giảm 10% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng, thời hạn cho vay tối đa 15 năm.

Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cách đây 2 - 3 năm, tín dụng cho BĐS bị siết chặt. Nhưng hai năm qua, thị trường đã đóng băng, gây ảnh hưởng cho cả nền kinh tế nên lại được coi như đối tượng chính sách, cần được quan tâm. Tuy nhiên, chính sách cần có sự nhất quán. BĐS có liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự phối hợp kịp thời, phải cùng vào cuộc. Ông Hà cho rằng, trong BĐS cần chọn tiêu điểm là phân khúc NƠXH để giải quyết hàng tồn kho cho vật liệu xây dựng. Chuyển đổi từ chung cư sang bệnh viện cũng là một cách. Qua đó sẽ giải quyết được vấn đề nợ xấu. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ cần dành 3% tổng dư nợ là có 100.000 tỷ đồng cho NƠXH" - ông Hà nói.

Các ngành cùng chung tay

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp đáng chú ý. Trong đó có việc bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án xây dựng NƠXH được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập từ hoạt động này. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sau khi bù trừ lãi lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với nhau mà vẫn còn lỗ thì số lỗ đó doanh nghiệp được bù trừ với thu nhập từ hoạt động SXKD trong kỳ tính thuế. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh BĐS khi thị trường diễn biến xấu, phát sinh lỗ nhưng không xử lý được lỗ gây nợ xấu.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị một số giải pháp  như: Giảm 50% VAT cho hoạt động kinh doanh NƠXH, căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, áp dụng thuế suất ưu đãi tối đa 10% đối với doanh nghiệp xây dựng NƠXH.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, lượng hàng tồn kho cả nước hiện nay có 16.469 căn hộ chung cư, trong đó, TP Hồ Chí Minh 10.108 căn, Hà Nội 3.292 căn. Tổng số nhà thấp tầng 4.116 căn, trong đó Hà Nội 3.483 căn, TP Hồ Chí Minh 1.131 căn. Tổng giá trị hàng tồn kho 40.750 tỷ đồng.

 
"BIDV đã nghiên cứu và chủ động đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nếu các đề xuất được chấp thuận, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mức lãi suất cho vay đối với người có thu nhập thấp mua NƠXH có thể giảm xuống bằng 2/3 của lãi suất huy động vốn." - Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV