Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dấu chân tìm đường cách mạng của Bác ở nước Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam…

Ngày 12/5, tại Khu di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội), Hội Hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội đã tổ chức tọa đàm: “Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga và ở K9”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và 100 năm lần đầu Bác Hồ đặt chân đến nước Nga (30/6/1923 - 30/6/2023).

Đoàn thăm triển lãm ảnh trong khuôn khổ chuyến đi. 
Đoàn thăm triển lãm ảnh trong khuôn khổ chuyến đi. 

Tham dự chương trình có đồng chí Đường Hoài Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội; đồng chí Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội; Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ông Andrey Borodenko, Phó Giám đốc, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đường Hoài Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội nhấn mạnh, trong những năm tìm đường cứu nước và lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến gần 60 quốc gia trên thế giới và nước Nga Xô Viết - quê hương của Cách mạng Tháng Mười là nơi Người có thời gian gắn bó lâu nhất.

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội Đường Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm. 
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội Đường Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm. 

“Nước Nga có một vị trí và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,” ông Đường Hoài Nam chia sẻ.

Sau 5 năm cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945, ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua nhiều thử thách và biến động của tình hình thế giới cũng như sự phát triển của mỗi nước.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Andrey Borodenko, Phó Giám đốc, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội nhắc lại dấu mốc ngày 30/6/1923 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bằng đường biển từ Hamburg (Đức) đến thành phố Petrograd (Liên Xô). Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt tìm con đường giải phóng đất nước khỏi ách áp bức thuộc địa, mặt khác tìm con đường xây dựng một xã hội công bằng.

Bày tỏ sự vinh dự khi được đến thăm Khu di tích K9, có mặt tại nơi linh thiêng đối với người dân Việt Nam trước thời điểm chờ đón ngày sinh vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam 19/5, ông Andrey Borodenko khẳng định: “Quá khứ chung đã gắn kết đất nước chúng ta hàng trăm năm trước sẽ tiếp tục là cơ sở vững chắc để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Việt Nam”.

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội Đường Hoài Nam tặng sách về Bác Hồ cho các đại biểu tham dự tọa đàm. 
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga TP Hà Nội Đường Hoài Nam tặng sách về Bác Hồ cho các đại biểu tham dự tọa đàm. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận, phân tích về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Một số nội dung khác cũng được các đại biểu nêu bật trong buổi tọa đàm, như: Các hoạt động của Bác Hồ trong lần đầu đặt chân đến Liên Xô và những năm tháng sau đó ở Liên Xô; nghe nói chuyện về quá trình gìn giữ thi hài Bác ở Khu di tích K9…

Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu khái quát một số nét chính về Khu di tích K9; quá trình giữ gìn thi hài Bác tại nơi đây trong những năm đất nước còn chiến tranh và những đóng góp to lớn của Nhà nước, Chính phủ, các chuyên gia y tế Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay trong quá trình hoạt động và phát triển của Khu di tích K9.

Các sinh viên Học viện Khoa học Quân sự cũng tham gia thuyết trình về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu đặt chân tới Liên Xô và những năm tháng sau đó ở Liên Xô. Những thông tin góp phần làm nổi bật ý nghĩa lịch sử trong việc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết định của Người tới Liên Xô vào ngày 30/6/1923. Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam…