Từ chỗ đầu tư bất cứ môn thể thao nào có thể giành vàng, các nhà chiến lược dần chuyển sang những nội dung Olympic nhằm tìm kiếm vị thế cho nền thể thao. Nhưng, để có được một chiến lược tổng thể và tham vọng thì các nhà hoạch định chính sách cần phải đầu tư nhiều hơn nữa về thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc.Khi công bố các môn thể thao mà đoàn TTVN tham dự Asiad, nhiều người thấy cái tên rất mới là jujitshu. Không phải ai cũng biết môn võ cổ truyền có xuất xứ từ Nhật Bản. Ủy ban Olympic Nhật Bản đã rất nhọc công để đưa môn võ có đặc điểm nổi là dùng tay không để tự vệ và chống cự lại đối thủ có võ trang hay không võ trang này vào chương trình thi đấu của Asiad. Và để được chấp nhận, họ phải nhận được sự ủng hộ của các đoàn thể thao khác. Đây là con đường chung để wushu, si lát, kurash vào SEA Games hay Asiad. Đầu tư những môn thể thao mới này, các đoàn thể thao rất dễ giành vàng và giải được bài toán về thành tích.Các nước có chiến lược thực nhằm quốc tế hóa môn thể thao truyền thống của mình. Các nền thể thao cũng ứng biến theo chiến lược ấy để tìm lợi thế. Nhưng, khi chiến lược hoàn thành, không dễ gì để các đoàn thể thao giành vàng. Đơn cử như việc, các võ sĩ Việt Nam thường dễ dàng vô địch thế giới wushu, judo hay karatedo nhưng đến Asiad thì thường xuyên thất bại trước các VĐV của quê hương những môn võ đó.Bài toán đặt ra là TTVN cần phải có chiến lược đi cho riêng mình, đầu tư những môn thể thao mà mình thực sự có khả năng cạnh tranh. Để thành công ở một môn thể thao thì tiền bạc, HLV giỏi, tập huấn nước ngoài thường xuyên không phải là yếu tố quyết định. Nó phải được đặt trong một chiến lược tổng thể ngành thể thao. Và nếu không giải được bài toán tổng thể nhưng lại đảm bảo phải chạm đến những yếu tố nhỏ nhất thì khó lòng đưa TTVN hội nhập một cách chủ động và bền vững với đấu trường lớn.